MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Thăng: “Quản lý nhà nước không thể vô cảm như thế”

05-08-2014 - 15:58 PM | Xã hội

Ngành giao thông đối thoại với doanh nghiệp nhằm giảm bớt các vướng mắc lâu năm chưa được giải quyết.

Một doanh nghiệp ở Nam Bộ hiện khai thác một chuyến phà chạy từ đất liền ra Phú Quốc. Vấn đề của chiếc phà này là dạng “nửa tàu nửa phà”, dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp cho rằng vì đây là “phà” nên chỉ phải đăng kiểm 2 năm một lần, trong khi cơ quan quản lý lại cho rằng đó là “tàu” nên bắt đăng kiểm 1 năm một lần. “Chạy từ Kiên Giang về Sài Gòn để đăng kiểm rất tốn kém và mất thời gian, doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải công nhận cho chúng tôi đây là “phà” để giảm thiểu thủ tục và chi phí”, đại diện doanh nghiệp nói.

Đề xuất này được đưa ra tại Hội nghị đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển của Bộ Giao thông Vận tải, được tổ chức sáng 5/8 tại Hà Nội. Trước đề xuất này, Bộ trưởng Đinh La Thăng lớn tiếng yêu cầu đại diện cơ quan quản lý nhà nước ở đầu cầu Cần Thơ phải trả lời doanh nghiệp ngay.

Nhưng khi nhận được câu trả lời không thỏa đáng của cấp dưới, ông Thăng nói luôn: “Tôi không đồng ý, anh là cơ quan quản lý nhà nước, trong khi đề xuất của doanh nghiệp là chính đáng, anh không thể vô cảm như thế được”.

Rồi ông yêu cầu, trong thời gian sớm nhất, các cơ quan chức năng cần ngồi lại cùng doanh nghiệp để trao đổi, xử lý dứt điểm vướng mắc này.

Vướng mắc của doanh nghiệp trên chỉ là một trong số vô vàn vướng mắc được cộng đồng doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển “tranh thủ” báo cáo với Bộ trưởng tại Hội nghị, cho dù mỗi đơn vị chỉ được dành vài phút để trình bày.

Có cảm giác, những ẩn ức của các doanh nghiệp dồn nén quá nhiều lâu nay, nay có dịp được tỏ bày khiến cho lãnh đạo nào cũng muốn có thêm thời gian để trình bày vấn đề. Và khi không thể trình bày “hết ý”, vị nào cũng muốn gửi ý kiến hoặc thảo luận thêm với các cơ quan quản lý.

Ở chiều ngược lại, đại diện nhiều Cục, vụ thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng như đại diện nhiều Bộ ngành khác đã được Bộ trưởng Thăng yêu cầu trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp. Đáng nói là nhiều vấn đề, nguyện vọng và đề xuất của các doanh nghiệp là chính đáng, nhưng đại diện cơ quan quản lý lại vận dụng các điều luật, quy định để trả lời.

Trước cách trả lời này, ông Thăng nói: “Hội nghị được tổ chức là để bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, không phải nơi để các anh ôn lại quy định. Nếu quy định bất cập, thì phải tìm cách, tìm hướng để sửa, xem có thể tháo gỡ được không”.

Hội nghị đối thoại lần này, theo nhận xét của các doanh nghiệp tham gia, là đã tạo cơ hội để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình với lãnh đạo bộ, từ đó hy vọng với sự vào cuộc ráo riết của lãnh đạo bộ trong công tác quản lý nhà nước lâu nay, sẽ giải quyết được bớt các vướng mắc lâu năm chưa được giải quyết.

Trong khi đó, khối các đơn vị chức năng của Bộ dường như đang có thêm nhiều công việc mới, vì tất cả các nội dung vướng mắc đều được Bộ trưởng yêu cầu xử lý ngay trong tháng 8/2014.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ tiến hành rà soát các quy định hiện hành liên quan đến cảng biển và vận tải biển, hướng tới mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực này, qua đó góp phần thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. "Việt Nam sẽ phải là một quốc gia mạnh về biển", ông nói.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2014 đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT.

Sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 49,05 triệu tấn, quy đổi ra tấn km ước đạt 80,41 tỷ tấn km, đạt 108,77% so với cùng kỳ 2013 và 48,89% kế hoạch cả năm 2014.

Về cơ cấu đội tàu, trong tổng số 1.700 tàu có 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hoá chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng, 37 tàu khách.

"Cơ cấu đội tàu không hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ rất lớn, tàu chuyên dụng, tàu container chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dẫn đến tình trạng dư thưa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ và đang thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Về tỷ lệ phát triển đội tàu, trong 4 năm gần đây tốc độ phát triển tàu container trên thế giới đạt trung bình 6,8%/năm, tốc độ phát triển tàu container của Việt Nam chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%", báo cáo cho biết.

Theo Anh Minh

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên