Các đơn vị vi phạm khai thác khoáng sản sẽ bị tước giấy phép
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiên quyết xử lý, có thể thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm.
- 03-08-2015Sơn La “khai tử” 35 mỏ khai thác khoáng sản
- 11-07-2015Khoanh định vùng cấm khai thác khoáng sản tại Quảng Ninh
- 10-04-2015Bổ sung mỏ cát thạch anh vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1/2015
- 04-03-2015Khai thác khoáng sản: Lãng phí do thiếu đầu tư công nghệ
Để triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương áp dụng những biện pháp “mạnh” nhằm siết chặt hoạt động quản lý, khai thác trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch thanh tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động hoặc tham mưu cho thành phố thu hồi giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền đối với các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, không quy hoạch thăm dò, khai thác cát tại các diện tích khu vực nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu; tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; kiểm tra việc buôn bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, giám sát theo quy định đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến sông. Theo đó, sẽ kiên quyết xử lý các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát, không thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế, thời gian nạo vét. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép; xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời và đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông vẫn diễn ra phổ biến.
Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan quản lý của Hà Nội phải vào cuộc xử lý kiên quyết, dứt điểm, tránh tình trạng vi phạm tái diễn kéo dài.
Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 12 đơn vị khai thác đá, còn lại là các đơn vị khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng.
Từ thực tế kiểm tra của ngành chức năng thành phố mới đây cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội chủ yếu dưới hình thức hút cát từ lòng sông đưa lên tàu vận chuyển tới bãi chứa ven bờ, do đó không chỉ làm thất thoát tài nguyên, vi phạm an toàn giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật về khoáng sản mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè cũng như gây ô nhiễm môi trường khu vực.
Đáng lưu ý, việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường của hầu hết các đơn vị khai thác còn rất hạn chế. Công tác an toàn vệ sinh lao động tại các khu khai thác mỏ đá cũng không được quan tâm, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.
Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua kiểm tra 14 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, có tới 8 doanh nghiệp vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản như chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai để được giao đất và ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước nhưng đã tổ chức khai thác phục vụ kinh doanh; do đó, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; hay có những đơn vị chấm dứt hoạt động từ nhiều năm nay song vẫn chưa trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản hoặc vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép, không phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng cũng không phủ nhận công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại một số địa phương bị buông lỏng kéo dài và việc xử lý còn thiếu kiên quyết, chưa triệt để.
Vietnam+