Cảnh sát giao thông không có thưởng Tết
"Chúng tôi làm gì có thưởng Tết. Khẳng định là không có. Trực Tết cũng như ngày thường theo đúng quy định của Bộ Tài chính là được 100 nghìn đồng/người/ca".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (CSGTĐBĐS) đã chia sẻ với chúng tôi như vậy vào chiều 23 Tết (ngày 23/1/2014).
Theo Thiếu tướng Tuyên, những ngày giáp Tết này lượng xe rất lớn. Cho nên lực lượng cảnh sát phải tham gia chống ùn tắc, đề phòng tai nạn, chống xe quay vòng đón trả khách không đúng quy định.
"Nhất là trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch phía Nam nên lượng xe rất đông. Lực lượng CSGT phải tăng cường để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn", ông Tuyên cho biết.
Theo Thiếu tướng Tuyên, không chỉ trước trong mà cả sau Tết anh em cảnh sát giao thông cũng phải tập trung vào tuyến này hết sức vất vả, thậm chí là kéo dài xuống tận Hà Nam vì tài xế tìm mọi cách đối phó với công an.
Khi được hỏi về sự đối mặt với hiểm nguy vì những chiếc xe tải, xe khách vi phạm cố tình chạy có thể gây mất an toàn cho chiến sĩ cảnh sát, Thiếu tướng Tuyên cho biết: "Khi tài xế đi ẩu, cố tình chạy trốn, phía lực lượng cũng phải thông báo cho anh em hết sức cảnh giác, bảo vệ mình là chính. Phải tập huấn cho anh em biết để phòng tránh nguy hiểm".
Được biết vào mỗi dịp Tết, lực lượng cảnh sát chia ca trực 100%, nhưng Thiếu tướng Tuyên cũng chia sẻ: "Anh em không có tiền để thưởng Tết, còn làm đêm thì chỉ được 100 nghìn/ca như ngày thường. Tôi xin khẳng định là không có thưởng Tết", ông Tuyến nói.
Mới đây, khi Chính phủ họp cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, năm 2013, số tiền phạt CSGT thu được là hơn 2.000 tỷ đồng, cần có cơ chế tiếp tục bồi dưỡng cho cảnh sát làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ...
Trước đây, 70% tiền thu phạt được trích cho công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, 30% còn lại cho thanh tra giao thông, ủy ban an toàn giao thông địa phương... nhưng theo quy định mới, từ ngày 1/7/2013 toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó, ông Thăng đề nghị Bộ Tài chính sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi cảnh sát giao thông phải phụ trách 70 km quốc lộ.
"Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ đủ mua thêm cái bánh mỳ", Bộ trưởng Quang giải thích.
Theo người đứng đầu ngành công an, hiện nay có nhiều tỉnh phạt nhiều nhưng thu ít; trong khi Hà Nội, TP HCM phạt rất nhiều, có những năm mấy trăm tỷ đồng nhưng chi phí không đến. "Nếu chuyển tiền phạt về Bộ Công an cân đối, điều hòa sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng, Chính phủ quan tâm xử lý", ông Quang đề xuất.
Bộ trưởng Quang gợi ý cách chia: nếu cảnh sát nào có ca trực, phải đi tuần tra, kiểm soát thì được bồi dưỡng, làm vậy sẽ giảm được bớt tiêu cực. Phần tiền còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế khoán mua xăng xe, điện thoại, trang bị thêm camera, xe tuần tra... phục vụ kiểm soát giao thông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên vẫn để lại địa phương 30%, còn 70% đưa lên Trung ương và chi cho công an.
Còn một vị đứng đầu lực lượng Cảnh sát giao thông cho biết căn cứ vào Nghị định 137 mới đây, "mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc".
Cảnh sát giao thông vất vả để chặn xe vi phạm Tờ Tiền Phong dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (CSGTĐBĐS), tại nhiều điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, CSGT vẫn phải lập chốt để điều tiết giao thông, hướng dẫn, xử lý vi phạm, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thời gian đứng chốt của CSGT không quá 90 phút. “Việc CSGT lập chốt kiểm tra cố định dẫn tới tình trạng các phương tiện giao thông thông báo cho nhau biết địa điểm đó có CSGT kiểm tra nên lưu thông đúng tốc độ khi đi qua chốt, nhưng sau khi qua chốt là lập tức phóng nhanh, giành đường vượt ẩu”, Thiếu tướng Tuyên cho biết. Ông Đỗ Mạnh Ninh, Đội Trưởng, Đội CSGT số 8 Phòng CSGT Công an Hà Nội phụ trách tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng chia sẻ: Theo quy định, trên 1 tuyến đường chỉ có 1 tổ công tác của lực lượng CSGT. Đội chỉ thành lập 1 tổ tuần tra kiểm tra lưu động trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ngoài ra Đội cũng phối hợp với CSGT dẫn đoàn và Thanh tra giao thông xử lý các phương tiện quá tải. Ông Ninh khẳng định, cán bộ của ông không đứng xử lý vi phạm giao thông tại 1 điểm quá 90 phút. Tuy nhiên trên thực tế tại tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, có từ 3 đến 4 chốt CSGT. Tại chốt cuối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, CSGT dừng cả chục phương tiện một lúc. Vào buổi tối, các phương tiện, đặc biệt là xe tải lưu thông chiều Cầu Giẽ - Pháp Vân cứ nhìn thấy tín hiệu đèn chớp của lực lượng CSGT là nối đuôi nhau dừng để trình “thủ tục”. Việc này đã khiến tình trạng giao thông bị ùn tắc và nguy hiểm cho người giam gia giao thông. Năm 2013, trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 4.623 trường hợp vi phạm; nộp kho bạc nhà nước hơn 3,6 tỷ đồng. |
Theo Phương Nguyên