MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp thẻ căn cước: “Hệ lụy vô cùng phức tạp”

23-06-2014 - 11:13 AM | Xã hội

Việc đổi mới trong phương pháp quản lý thông tin cá nhân của người dân là cần thiết nhưng thay đổi một cách chóng vánh, không phù hợp với thực tế có thể làm phát sinh những hệ luỵ khó lường.

Thiếu hợp lý

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch… của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ của Việt Nam.

"Đó là một sự tiến bộ", đại biểu Niễn đánh giá tại phiên thảo luận trên nghị trường về Luật Căn cước công dân hôm 19/6 vừa qua.

Tuy nhiên, so với báo cáo đánh giá của Chính phủ thì còn thiếu một loại giấy tờ quan trọng khác, không thể thiếu như giấy khai sinh là của công dân trong độ tuổi học sinh hiện nay.

"Có hợp lý hay không khi chúng ta bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến?", đại biểu Niễn gợi mở.

Sự thiếu hợp lý trong việc cấp thẻ căn cước còn được nhiều đại biểu khác nêu ra bằng những dẫn chứng khá thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cho biết ông không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân.

Theo ông, Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo là vô cùng phức tạp.

Bởi lẽ, nếu tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân thì sẽ rất tốn kém. Cùng với đó là các văn bản, giấy tờ lưu trữ rồi đây sẽ lẫn lộn, trùng lắp, trong khi bản chất của căn cước nhân dân và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM), việc cấp thẻ căn cước công dân rất đáng nghi ngờ cả về tài chính, kỹ thuật, quy trình và công nghệ.

Bao lâu thì làm xong, việc đồng bộ và hợp nhất với những giấy tờ chứng minh khác như thế nào, tốn kém bao nhiêu? Đặc biệt hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội lại càng mờ mịt.

Đại biểu Nghĩa đánh giá, việc này trước mắt sẽ tác động tiêu cực đối với đời sống nhân dân, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính an toàn pháp lý là có thể thấy trước.

“Phải chăng chúng ta đang phê duyệt cho việc đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới mà không biết được thiết kế ra sao, tiền ở đâu, có năng lực thi công không và nhà mới thì có tốt hơn nhà cũ hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Cần xem xét thêm

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu ví dụ, hiện nay, dân người đã hợp đồng xung quanh các giấy tờ có liên quan trong các hợp đồng giao dịch dân sự thì việc tồn tại này là đương nhiên.

Đơn cử như cá nhân nào đó đã đi mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì hợp đồng này tới vài chục năm sau người ta mới nhận nguồn tiền nhưng sau này chúng ta thay đổi số chứng minh nhân dân thành số định danh thì sẽ gặp khó khăn cho người dân và chắc chắn họ sẽ hoang mang, lo lắng.

Còn theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), thẻ căn cước thay thế chứng minh thư về lâu dài có thể là đúng hướng, cần thiết nhưng nếu không có lộ trình, không cẩn thận thì vừa làm khó cho quản lý, vừa làm khó cho người dân khi luật dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2015.

“Thẻ căn cước ra đời mà chưa thay thế được các giấy tờ liên quan như chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, sổ đỏ thì không những không đơn giản hóa mà còn làm phát sinh thêm thủ tục. Vì vậy tôi cũng đồng tình với một số đại biểu khác nên lùi thời gian xem xét thông qua dự án luật này”, đại biểu Phương kiến nghị.

Với tư cách là một đại biểu công tác trong ngành công an, quản lý giấy tờ, hồ sơ cá nhân của người dân, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng không tán thành việc thay đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước.

Ông nói “quan điểm, suy nghĩ của tôi là qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành công an, cũng như ý kiến của các cử tri đề nghị luật này không nên quy định là thẻ căn cước công dân mà để là chứng minh thư”.

Bởi, theo ông Chung chỉ cần thay chữ căn cước công dân là toàn bộ hệ thống phần mềm của các cơ sở ngân hàng tín dụng là phải thay đổi, phải sửa. Bên cạnh đó, hàng triệu giấy tờ, sổ đỏ... bây giờ cũng phải cấp lại…

“Quan điểm của chúng tôi cũng như qua tiếp xúc cử tri thì người dân thấy để chứng minh thư thuận tiện hơn”, ông Chung cho hay.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ đạo, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, đề nghị ban soạn thảo luật cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức những hội nghị, hội thảo chuyên đề cần thiết sâu hơn để làm rõ về tất cả những vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới.

>>>Không nên bỏ tên gọi “chứng minh nhân dân”
Theo Song Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên