MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiều nay, Quốc hội xem xét bãi nhiệm đại biểu Châu Thị Thu Nga

17-06-2015 - 08:54 AM | Xã hội

Bà Nga là một trong hai đại biểu Quốc hội nữ tự ứng cử trong Khóa XIII bị Quốc hội xem xét bãi nhiệm.

Theo chương trình làm việc, 16h hôm nay (17/6), Quốc hội họp riêng nghe Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Châu Thị Thu Nga. Sau đó các đại biểu thảo luận tại Đoàn về đề nghị trên.

Ngày 18/6, Quốc hội dành cả phiên làm việc buổi chiều họp riêng về nội dung bãi nhiệm. Sau khi các đại biểu nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Nga.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu trong cùng phiên làm việc.

Trước đó, Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đối với bà Nga. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra về những vi phạm pháp luật của bà Nga.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương- Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại chia sẻ, ĐBQH được dân bầu ra với uy tín và những trách nhiệm được quy định rất rõ ràng trong luật.

Trong quá trình hoạt động mà không còn uy tín, đi ngược với quyền hạn và trách nhiệm của chính bản thân mình, không xứng đáng với niềm tin của người dân thì đương nhiên phải bị bãi nhiệm.

Theo đại biểu Cương, đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi khi đã xác định mình là ĐBQH thì phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phải là tấm gương trong việc chấp hành pháp luật. Anh là người tham gia ấn nút thông qua các dự án luật mà lại vi phạm pháp luật là điều không thể chấp nhận được.

“Mỗi một khi phải bãi nhiệm 1 đại biểu nào đó hoặc chứng kiến 1 đại biểu Quốc hội có sự sai lầm thì bản thân là 1 đại biểu Quốc hội, tôi cũng thấy rất đau lòng”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Là đại biểu nữ, tôi thấy tiếc cho hai đại biểu này đã không đi trọn được con đường mà người dân tin tưởng, gửi gắm”.

Theo đại biểu Tâm, nói về trách nhiệm thì trước hết phải là trách nhiệm cá nhân, mình không giữ gìn, không đáp ứng được lòng tin của cử tri. Còn cơ quan giới thiệu có trách nhiệm hay không còn tùy thuộc vào tính chất từng vụ việc của cá nhân những đại biểu này.

Nhưng dù gì đi chăng nữa thì cơ quan hiệp thương và giới thiệu cũng có trách nhiệm một phần. Bởi vì không chỉ có trách nhiệm giới thiệu xong là thôi mà phải theo dõi, giám sát đại biểu đó trong suốt quá trình hoạt động.

Mặc dù không mong muốn nhưng điều đó đã xảy ra thì cũng là kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới đối với tất cả các cơ quan có trách nhiệm đưa người ra ứng cử, cơ quan hiệp thương.

“Sự việc trên cũng cảnh báo với các đại biểu rằng, khi mình đã gieo được niềm tin đối với cử tri thì cần phải phấn đấu, giữ gìn một cách liên tục từng ngày, từng giờ để đáp lại lòng tin của cử tri, nếu không sẽ làm tổn thương lòng tin đó”, nữ đại biểu chia sẻ.

PV

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên