MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cửa mở, khách có vào nhà?

31-05-2015 - 09:35 AM | Xã hội

Miễn visa cho du khách quốc tế ở một số thị trường trọng điểm chỉ là bước mời khách vào nhà. Điều quan trọng là ngành du lịch phải xây dựng hình ảnh, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ... để giữ chân du khách

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm suốt 1 năm! Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết các thành viên Chính phủ đã thảo luận theo hướng sẽ tạo thuận lợi trong cấp thị thực (visa) cho du khách đến Việt Nam. Nhiều công ty du lịch hoan nghênh chính sách miễn visa nhưng họ cho rằng sau khi vào Việt Nam, du khách sẽ tận hưởng, trải nghiệm gì và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra sao?

Bung các cửa đón khách

Du khách quốc tế đến Việt Nam qua đường bộ, đường biển và đường hàng không đồng loạt sụt giảm từ đầu năm đến nay, trong đó đường biển chỉ đạt 25.800 lượt người, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính theo thị trường, hàng loạt thị trường có lượng khách sụt giảm là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Lào, Nga, Anh, Pháp, Hà Lan... Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhận xét ngành du lịch đang trong tình trạng “báo động đỏ và rất thê thảm”. Nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Để tháo gỡ, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất ngoài 7 nước Việt Nam đang miễn visa đơn phương (Nhật, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), sẽ mở rộng diện miễn visa cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm; đối tác chiến lược, có nguồn khách lớn và nhu cầu lưu trú dài ngày chi tiêu cao... Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề xuất miễn visa cho 4 thị trường khách trọng điểm gồm Anh, Úc, Đức, Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng đây là những thị trường khách trọng điểm của Việt Nam nhiều năm qua và là khách chịu chi, đi du lịch dài ngày. “Sự sụt giảm du khách quốc tế đến Việt Nam đang diễn ra rất nghiêm trọng, là nỗi trăn trở của những người làm du lịch. Miễn visa trước mắt có thể chỉ là 4 thị trường nhưng bước đầu tạo thuận lợi cho nhiều du khách vào Việt Nam, lợi ích đem lại cho ngành sẽ nhiều hơn, không chỉ là phí visa” - bà Khánh nhận xét.

Tổ chức Du lịch thế giới cũng xác định 5 nhóm biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang được nhiều nước áp dụng, trong đó có giải pháp liên quan đến visa như tạo thuận lợi về quy trình thủ tục cấp visa tại cửa khẩu, đơn phương miễn visa cho một số quốc gia hay cấp visa điện tử (e-visa)...Visa nhập cảnh được xem là một trong những nhóm chính sách có tác động mạnh đến du lịch, thu hút du khách nhiều hơn.

Không mạnh tay sẽ còn lận đận

Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên khách tàu biển), cho rằng để tạo đột phá trong việc kéo khách quốc tế đến sân nhà và vực dậy ngành du lịch, nhà nước có thể áp dụng biện pháp mạnh như năm 2009: Miễn visa cho tất cả quốc gia trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai e-visa cũng là giải pháp mà Campuchia đang làm khá hiệu quả.

“Nhiều lần quan sát, tôi thấy du khách đến Campuchia qua cửa khẩu chỉ cầm trên tay tờ giấy A4 có đầy đủ thông tin, có mã số (như mã đặt chỗ vé máy bay) và hộ chiếu. Đây là chính sách e-visa đang được Campuchia áp dụng rất thành công, du khách chỉ cần mua visa trên mạng 25 USD rồi tự in giấy tờ của mình. Còn ở Việt Nam, phí visa 45 USD nhưng quan trọng là các khoản chi phí khác trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục lên tới cả trăm USD nên gây phiền lòng du khách. Cần phải đơn giản thủ tục xin cấp visa tối đa, tạo thuận lợi cho du khách muốn đến Việt Nam” - ông Phan Xuân Anh đề xuất.

Khi được hỏi làm sao kéo khách quốc tế đến sân nhà, lãnh đạo nhiều công ty du lịch thừa nhận visa chỉ là bước đầu tiên, quan trọng là phải “có chiêu” để du khách đến rồi ở lại lâu hoặc quay trở lại. Bà Nguyễn Thị Khánh đề xuất cần phải cải tổ hàng loạt vấn đề liên quan đến sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ từ tour tuyến, điểm đến, nhất là mua sắm... Phải sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách chứ không chỉ khai thác những gì có sẵn. “Nên có một chương trình quảng bá dài hơi, bài bản cho du lịch để khẳng định hình ảnh, vị trí của Việt Nam. Lâu nay chúng ta có quảng bá nhưng manh mún, đa phần doanh nghiệp tự làm, tự giới thiệu tour của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp mạnh cái nào làm cái đó, không thể làm thay nhà nước được” - bà Khánh thẳng thắn.

Một hình ảnh gần đây được nhiều công ty lữ hành đề cập là tổng cục du lịch các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Dubai hay Thổ Nhĩ Kỳ... “đổ” vào Việt Nam quảng bá rầm rộ để kéo khách Việt qua nước họ. Thậm chí, ngành du lịch các nước còn “o bế” doanh nghiệp Việt, hỗ trợ tối đa để có tour giá rẻ, khuyến mãi giảm giá nhằm kéo khách. “Nhiều nước, sản phẩm du lịch không có gì nổi bật nhưng họ quảng bá tốt, từ con người đến chất lượng dịch vụ làm du khách hài lòng. Nếu Việt Nam không coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và chung tay xây dựng hình ảnh, cải thiện chất lượng dịch vụ đồng bộ sẽ còn mãi lận đận” - ông Trần Văn Long nói.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên