MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đà Nẵng phải biết cảm ơn nhà đầu tư, đừng nghĩ ban ơn"

09-12-2015 - 21:00 PM | Xã hội

Theo đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Mai Đức Lộc, muốn cải thiện tình hình thu hút đầu tư thì việc trước hết và quan trọng là Đà Nẵng cần phải biết cám ơn các nhà đầu tư, cám ơn các doanh nghiệp chứ không phải xem họ là đối tượng để ban phát ân huệ!

Sáng 9/12, kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII diễn ra phiên thảo luận tại hội trường. Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm là sự sụt giảm thu hút đầu tư vào địa bàn. Đại biểu Mai Đức Lộc cho rằng, cùng với nêu những lợi thế, thành tựu thời gian qua thì trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Đà Nẵng cần đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học về những bất lợi thế của TP để có những giải pháp thực hiện tốt 3 hướng đột phá (du lịch – dịch vụ; thu hút đầu tư; hạ tầng – nhân lực chất lượng cao ) mà Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra.

Theo ông Mai Đức Lộc, bất cập lớn nhất hiện nay là quy mô kinh tế của Đà Nẵng còn quá nhỏ.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 13.500 tỉ đồng, trong đó thu nội địa dưới 10.000 tỉ. Bình quân quy mô của một doanh nghiệp Đà Nẵng chỉ dưới 3 tỉ.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, vốn thực hiện chỉ mới đạt dưới 1,6 tỉ USD. Dự án FDI có vốn đầu tư trên 100 triệu USD rất ít, còn hầu hết là các dự án quy mô nhỏ và rất nhỏ, thậm chí dưới 100.000 USD.

Trong khi đó, năm 2017, Đà Nẵng phải trả nợ vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.700 tỉ/năm (kể cả lãi và gốc). Nếu tăng thu ngân sách bình quân 10% như dự kiến thì mức tăng này không bằng giá trị phải trả nợ trong năm 2017. Để giải bài toán này, Đà Nẵng không có lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng nguồn thu một cách bền vững.

“Nói đến cải thiện môi trường đầu tư thì trước hết và quan trọng nhất là phải cải thiện thái độ. TP chúng ta, đặc biệt là lãnh đạo TP phải có tuyên ngôn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng Đà Nẵng xứng đáng là nơi để các nhà đầu tư tìm đến. Mỗi cán bộ liên quan đến lĩnh vực này phải xem việc cấp phép, phục vụ cho việc triển khai dự án là sự cảm ơn nhà đầu tư, cảm ơn doanh nghiệp chứ không phải họ là đối tượng để chúng ta ban phát ân huệ. Khi đó mới mong có sự chuyển biến về thu hút vốn đầu tư vào địa bàn!” – ông Mai Đức Lộc nói.

Tán đồng ý kiến của ông Mai Đức Lộc, đại biểu Lê Thị Nam Phương cho hay, việc thu hút đầu tư của Đà Nẵng cần giải pháp lâu dài, rõ ràng và quyết liệt hơn. Thái độ đối xử theo kiểu ban phát đối với doanh nghiệp là rất nguy hiểm, bởi đã qua rồi giai đoạn doanh nhân là “con buôn”, “con phe”. Đà Nẵng phải nhìn nhận lại động lực mới cho sự phát triển của TP là gì? Ai sẽ đóng góp cho động lực đó? Doanh nghiệp, doanh nhân nằm ở đâu trong kế hoạch phát triển của chính quyền TP?

Là một doanh nghiệp, bà Lê Thị Nam Phương cho rằng, Đà Nẵng cần cải cách hành chính sâu hơn, chất lượng hơn để thu hút đầu tư. Đặc biệt, vấn đề không chỉ nằm ở các thủ tục hành chính mà còn là thái độ làm việc của các sở, ngành, cán bộ liên quan trên tinh thần hợp tác với doanh nghiệp. “Nhiều văn bản luật và dưới luật của chúng ta chưa rõ nét và có thể hiểu theo những cách khác nhau. Nếu ngại vấn đề này, không trên tinh thần hợp tác thì sẽ rất khó. Có những dự án chúng tôi đã phải chờ đợi rất lâu, và đến bây giờ vẫn đang tiếp tục chờ đợi” – bà Lê Thị Nam Phương nói.

Theo ông Mai Đức Lộc, trong việc xúc tiến đầu tư, không nên tách rời giữa xúc tiến đầu tư trong nước với xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cần có sự xác định cụ thể đối tượng cần tiếp cận trong mỗi thời kỳ. Khu công nghệ cao Đà Nẵng hiện chỉ mới có 2 – 3 doanh nghiệp FDI vào đầu tư. Thu hút vốn đầu tư bình thường, Đà Nẵng đã gặp khó. Thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao vốn rất khó thì Đà Nẵng càng cần phải có cách tiếp cận “đặc biệt cao”.

Ông đề nghị cần sớm tổng kết mô hình hoạt động của các KCN trên địa bàn Đà Nẵng, đánh giá một cách toàn diện cách tổ chức, quản lý hiện nay để thực sự có chuyển biến trong thời gian tới. Đồng thời tổng kết, đánh giá công tác xúc tiến đầu tư của TP thời gian qua cả về tổ chức, kinh phí, nhân lực… để có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này.

Đề nghị giữ lại khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) làm công viên!

Về việc chuyển đổi khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) từ đất thương mại dịch vụ thành đất ở đô thị và giao cho Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) khai thác (Infonet đã đưa tin), đại biểu Huỳnh Phước cho hay, cử tri đồng tình với chủ trương của TP giao những chỗ cần thiết cho các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án, góp phần làm đẹp cảnh quan TP. Tuy nhiên, với các vị trí nhạy cảm, nhất là ở hai bên bờ sông Hàn thì cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quy hoạch, khai thác.

Riêng với khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ), theo đại biểu Huỳnh Phước, nhiều cử tri cho rằng đây là vệt đất cuối cùng ở bờ Tây sông Hàn nên TP Đà Nẵng cần giữ lại làm công viên để phục vụ đông đảo người dân và phát triển du lịch.

“Nếu chuyển giao khu đất này cho Tổng Công ty 319 quy hoạch, phân lô bố trí đất ở, TP có thu đến hàng ngàn tỉ đồng thì cũng chỉ là giá trị hữu hạn. Còn để khu đất này làm công viên sẽ nâng cao giá trị cảnh quan bên bờ sông Hàn, tôn vinh vẻ đẹp của TP, góp thêm điểm cộng cho mục tiêu “TP môi trường”, tăng thêm tiện ích công cộng phục vụ người dân và du khách mà Đà Nẵng vốn đang rất thiếu. Hơn nữa, khi trở thành công viên thì giá trị sẽ trường tồn cho các thế hệ con cháu mai sau!” – đại biểu Huỳnh Phước nói.

Theo Hải Châu

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên