Đại biểu Quốc hội mong muốn gì khi bầu lãnh đạo Nhà nước?
“Tôi rất mong với sự lựa chọn chính xác của Quốc hội kỳ này, chúng ta sẽ có bộ máy nhân sự cấp cao đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn”.
- 30-03-2016Hôm nay, trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
- 30-03-2016Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng
- 29-03-201613 phát ngôn gây tiếng vang lớn ở kỳ họp cuối cùng Quốc hội XIII
Cử tri rất quan tâm đến bầu lãnh đạo cấp cao
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định, Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đều thực hiện nhiệm vụ kiện toàn công tác nhân sự của đất nước.
Những nhiệm kỳ trước chỉ kiện toàn một vài vị trí nhưng lần này gần như thực hiện ở toàn bộ chức danh chủ chốt của Nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
“Đó là một điều cũng khá đặc biệt nên trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội là nặng nề, làm sao thực hiện được quan điểm, đường lối của Đảng trong công tác nhân sự nhà nước”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, trong thảo luận, các đại biểu sẽ tập trung phân tích, đánh giá đưa ra các kiến nghị phù hợp trong quyền hạn, phù hợp với tình hình thực tiễn để bộ máy nhân sự cấp cao của nhà nước sớm bắt tay thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Đại biểu Nghĩa mong với sự lựa chọn chính xác của Quốc hội, chúng ta sẽ có bộ máy nhân sự cấp cao đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn; rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá của nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp để triển khai thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình theo Hiến pháp 2013 và pháp luật.
Chia sẻ những tâm tư của cử tri gửi gắm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết: “Cử tri rất quan tâm. Trước khi đi họp, nhiều cử tri hỏi Lãnh đạo Chính phủ sắp tới là ai? Lãnh đạo bộ này bộ kia là ai?..”.
“Chúng tôi cũng trả lời rằng, nhân sự là công tác quan trọng. Đại hội Đảng đã chuẩn bị, từ Hội nghị Trung ương của nhiệm kỳ trước cho đến Hội nghị lần đầu của khoá XII. Công tác nhân sự cấp cao đã được tập trung kỹ lưỡng, phân tích toàn diện, lựa chọn, giới thiệu những đồng chí thực sự có thể đảm đương được nhiệm vụ nặng nề của giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết thêm.
“Chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình”
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, sau Đại hội Đảng XII thành công thì việc kiện toàn nhân sự là rất quan trọng, vì một số vị trí chủ chốt nghỉ, cần kiện toàn mới để tạo động lực mới, khí thế mới, sớm tổ chức thực hiện công việc của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
“Vấn đề quan trọng khai phải ai được bầu vào vị trí nào, với số phiếu bao nhiêu, mà chính là việc sau khi bầu xong, họ có phát huy được điểm mạnh, chứng tỏ sự lựa chọn của Quốc hội đối với họ là đúng đắn không. Lãnh đạo được lựa chọn làm thế nào để tạo sự chuyển động trong tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội, phải tạo ra sự chuyển biến. Đó mới là điều cử tri mong mỏi”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.
Khẳng định việc Quốc hội dành phần lớn thời gian kỳ họp để quyết định công tác nhân sự thể hiện Quốc hội luôn xác định cán bộ là khâu quyết định, đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hoá) chia sẻ: “Là đại biểu Quốc hội thay mặt cho cử tri bỏ lá phiếu bầu ra những người xứng đáng để lãnh đạo đất nước, tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng bộ máy Nhà nước. Tôi sẽ cân nhắc kỹ để thể hiện chính kiến của mình qua lá phiếu”.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng bày tỏ, là người đại diện cho cử tri cầm lá phiếu để bầu và lựa chọn ra những nhân sự lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, bà cảm thấy vinh dự và cũng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình.
“Tôi tin các nhân sự đã được sàng lọc kỹ lưỡng nên với tất cả trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ công tâm bầu chọn ra những người thực sự xứng đáng, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước”, đại biểu Nguyệt Hường nói.