MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề án cải tạo, chặt 6.700 cây, chưa rõ cây thay thế

22-03-2015 - 10:56 AM | Xã hội

Việc chặt hạ cây xanh đã được chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng, tuy nhiên hiện đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh vẫn chưa được khẳng định sẽ dừng hẳn hay tiếp tục.

Ngoài ra, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định sẽ trồng thay thế các cây bị đốn hạ bằng loại cây gì.

Dù dư luận và nhiều chuyên gia, nhà khoa học còn băn khoăn về loại cây trồng thay thế thì gần 400 cây vàng tâm đã được trồng mới trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh gây ra nhiều phản ứng...

Mù mờ thay thế cây mới

Trong đề án cải tạo, thay thế hơn 6.700 cây xanh do Sở Xây dựng trình đã được TP thông qua nêu: Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh đô thị phải phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan không gian kiến trúc đô thị, tuân thủ quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đô thị, không làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất, trên không và theo danh mục cây xanh được trồng trong đô thị...

Tuy nhiên, đề án không đề cập rõ loại cây cụ thể thay thế cây bị chặt hạ.

Theo đề án, đối với các tuyến phố cổ sẽ trồng các loại cây có thân thẳng, có độ cao thích hợp (dưới 10m), rễ không ăn nổi, tán hẹp thích hợp với vỉa hè hẹp (dưới 3m) như: hoa ban, móng bò, chẹo, bằng lăng, muồng thẫm...

Đối với các tuyến phố cũ có hè rộng (trên 3m) sẽ thay thế bằng các cây thẳng đẹp, không sâu bệnh như bằng lăng, sấu, phượng, sao đen, sữa, lát hoa...

Phải trả lời 21 câu hỏi của báo chí trước 25-3

Trong một diễn biến khác, UBND TP Hà Nội vừa giao giám đốc Sở Xây dựng trả lời công khai 21 câu hỏi liên quan đến kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh còn “nợ” trong buổi họp báo diễn ra chiều 20-3.

Văn bản yêu cầu trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25-3-2015.

Cũng theo đề án cải tạo này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết qua khảo sát trên 190 tuyến phố của 10 quận nội thành có 29.638 cây xanh đường phố.

Sở Xây dựng cho rằng trong số này có nhiều loài cây không thuộc chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng) như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn...

Một số cây đô thị trong quá trình sinh trưởng phát triển bị các tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan đô thị...

Gần 400 cây vàng tâm đã được trồng mới

Trong khi đó, ghi nhận của chúng tôi ẻ chiều 21-3 dọc phố Nguyễn Chí Thanh - tuyến phố có số lượng cây xanh bị chặt hạ và thay thế lớn nhất hiện nay, từ ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh kéo dài tới ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh đã có hàng trăm cây xanh cũ các loại bị chặt hạ.

Dọc phố này, đoạn giáp với Học viện Hành chính, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng, đặc biệt ngay trước một dự án tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư cao cấp có hàng trăm cây xanh mới được thay thế.

Những cây này có đường kính từ 10-20cm, thân thẳng, cành thưa và đã bị cắt trọc lá, cành phụ.

Chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục xác nhận số lượng cây trồng thay thế nói trên là cây vàng tâm.

Được biết, sẽ có 382 cây vàng tâm được trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh. Trong số này có 191 cây bên dãy phố đánh số lẻ được đóng góp từ kinh phí của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội, 191 cây bên dãy phố đánh số chẵn là do Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tài trợ.

Việc trồng được tổ chức vào ngày 14-3 với sự tham gia của hai đơn vị trên cùng nhân viên của Công ty MTV Cây xanh Hà Nội.

Đánh giá về việc trồng cây vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định đây là cây quý hiếm và phát triển chậm, do đó chọn làm cây đô thị là việc “quá vô lý”.

Ngoài ra theo GS Nguyễn Lân Dũng, vàng tâm là loại cây ưa độ cao (sống ở vùng đất trên 700m), phù hợp với thổ nhưỡng đất chua, thường ở khu vực rừng mưa nhiệt đới nên chắc chắn sẽ không phù hợp và phát triển kém khi trồng tại Hà Nội.

Trong khi đó, TS Đặng Văn Hà - phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam) - cũng cho rằng vàng tâm chỉ thích hợp trồng ở những nơi thoáng mát, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ, thường phải dưới 30oC và không ngập úng thì cây mới tồn tại và phát triển được.

Trong khi đó theo ông Hà, nhiệt độ vào mùa hè tại Hà Nội có lúc lên tới 40oC, nguy cơ xảy ra ngập úng rất lớn.

“Nó sẽ còi cọc, thậm chí khó tồn tại được” - ông Hà nói.

Theo Lâm Hoài

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên