MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị bỏ quy định ứng trước ngân sách

03-10-2014 - 11:38 AM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có nhiều ý kiến đề nghị việc phân bổ ngân sách hằng năm phải là một đạo luật do Quốc hội quyết định

Thảo luận về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) được Chính phủ xin ý kiến ngày 2-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có nhiều ý kiến đề nghị việc phân bổ ngân sách hằng năm phải là một đạo luật do Quốc hội quyết định theo quy trình chặt chẽ, minh bạch, chứ không phải chỉ là một nghị quyết.

Ông đề nghị cơ quan soạn thảo phải thể hiện rõ trong luật này quyền, nghĩa vụ của trung ương, địa phương được làm gì và không được làm gì, được thu - chi những khoản nào, đến đâu. Quyết định ngân sách, giám sát thực thi ngân sách là quyền của Quốc hội, còn thực hiện là Chính phủ.

Nhiều khoản đang “để ngoài ngân sách”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay khi đương chức bộ trưởng Bộ Tài chính, ông rất ủng hộ việc phân bổ ngân sách phải đưa ra Quốc hội cho Quốc hội quyết để giảm bớt cơ chế xin - cho.

“Lúc đó tôi nghĩ rằng mình cứ giữ lấy cái quyền này thì mình rất mệt. Luật này là luật công khai, minh bạch, bớt xin - cho đến tối đa.

Hội nhập quốc tế thì chúng ta phải hướng tới các chuẩn mực quốc tế về ngân sách. Ngay cả từ ngữ, ví dụ vay là vay chứ sao lại gọi là huy động, vay mà sao lại không tính vào bội chi (trái phiếu Chính phủ phát hành để đầu tư các công trình, dự án mấy năm qua không tính vào bội chi ngân sách hằng năm - PV)” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: “Qua giám sát, nhiều quỹ có nguồn thu từ thuế, phí là những khoản thu theo quy định của luật phải được hạch toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước nhưng hiện nay vẫn đang để ngoài ngân sách, gây khó khăn trong quản lý, điều hành của Nhà nước, làm phân tán nguồn lực quốc gia.

Đề nghị Chính phủ rà soát, thu hẹp các quỹ ngoài ngân sách theo hướng đưa vào cân đối ngân sách nhà nước đối với những quỹ có nguồn thu chủ yếu từ ngân sách, bảo đảm tính thống nhất, tập trung của ngân sách nhà nước”. Hiện nay, có không ít quỹ ra đời cùng với các đạo luật nhưng Quốc hội không kiểm soát được.

Liên quan đến cách tính bội chi ngân sách hằng năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải đưa khoản trái phiếu Chính phủ vào ngân sách để tính.

Đây cũng là điểm mới của dự thảo luật bởi dự thảo quy định bội chi ngân sách trung ương được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước (không phát hành tiền bù đắp bội chi ngân sách).

Bội chi ngân sách trung ương được xác định trên cơ sở chi ngân sách trung ương, bao gồm cả chi đầu tư từ nguồn công trái, trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi.

Không được ứng trước ngân sách

Nêu quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách trước đề nghị của Chính phủ giữ nguyên quy định cho phép ứng trước ngân sách nhà nước năm sau, ông Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị bỏ quy định này.

“Như vậy sẽ bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước thực tế phát sinh trong năm. Hơn nữa, nếu cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau thì sẽ không phù hợp theo quy định của Hiến pháp là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán.

Đồng thời việc cho ứng trước sẽ hạn chế thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội do phải hợp thức hóa các khoản đã ứng trước trong khi Quốc hội chưa xem xét ngân sách năm sau” - ông Hiển phân tích.

Đề xuất của Chính phủ “bổ sung quy định cho phép các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương được giữ lại tối đa không quá 5% dự toán chi thường xuyên đã được giao để chủ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm” cũng không nhận được sự đồng tình.

Liên quan đến quan điểm phân chia thẩm quyền thu - chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ngân sách quốc gia phải đảm bảo tính thống nhất, không để tình trạng cát cứ địa phương diễn ra.

“Ngân sách của ta không phải là ngân sách liên bang. Ngân sách liên bang là mỗi bang có thuế riêng, thu - chi riêng.

Còn ngân sách của ta là ngân sách thống nhất. Đất nước này có nhiều vùng sâu vùng xa, vùng nghèo, vùng khó, ở nông thôn... thế nên anh ở đô thị, thành phố, trung tâm kinh tế thu nhiều phải điều tiết về trung ương để trung ương phân bổ.

Tôi nói ví dụ nếu TP.HCM mà thu của ông ấy thì còn lớn hơn cả Singapore, ông ấy chi sướng lắm. Nhưng để Lai Châu, Điện Biên tự thu tự chi thì ông ấy biết xoay xở thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Tuy nhiên, ông đề nghị phải quy định phân cấp rất rõ ràng. “Phân cấp kinh tế phải rõ, loại đường này là đường trung ương, đường kia là đường tỉnh, đường huyện - xã; giáo dục, y tế cũng vậy. Tức là nhiệm vụ của anh thì anh chi, nhiệm vụ của tôi thì tôi chi” - ông nói thêm.

Về vấn đề phân bổ thu ngân sách, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng chúng ta duy trì quá lâu tình trạng phân bổ dự thu cho địa phương thấp, nên năm nào cũng vượt thu và được chia thưởng.

“Tôi đề nghị tới đây phải quy định nếu vượt thu do sáng tạo trong giải pháp thu mới được thưởng, chứ cứ làm dự toán thấp rồi thu vượt thì không đúng” - ông Giàu nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Nếu quy định trong luật ông nào sáng tạo mới cho thưởng thì biết thế nào là sáng tạo?

Luật không minh bạch, lại phải đi xác minh xem có sáng tạo hay không sáng tạo. Như vậy luật chỉ có thể quy định là có thưởng vượt thu hay không”. Dự luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu vào kỳ họp tháng 10.

Theo Lê Kiên

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên