MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy: Dân vui mừng,địa phương lo lắng

24-07-2015 - 11:16 AM | Xã hội

Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư vừa chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô, xe máy, bắt đầu từ ngày 1.1.2016

Ngừng thu vì khó thu

Theo báo cáo của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô cho thấy công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp. Theo báo cáo, số thu phí sử dụng đường bộ từ các địa phương trong cả nước tính từ 1.1.2013 đến ngày 30.6.2015 là 1.279,6 tỉ đồng, đạt 16,41%. Trong đó năm 2013 thu 552,8 tỉ đồng (đạt 21,26%) và 2014 thu 552,3 tỉ đồng (đạt 21,24%). Riêng 6 tháng đầu năm 2016 số thu chỉ 147,4 tỉ (đạt 6,7%).

Lý giải cho nguyên nhân “thất thu”, Bộ GTVT cho rằng: Nguyên nhân chính do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe môtô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách. Ngoài ra, chế tài xử phạt theo Thông tư số 133/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện.

Việc dừng thu phí đường bộ đối với môtô, xe máy chắc chắn được đa số người dân ủng hộ.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, Đà Nẵng là một trong những địa phương chủ động “ngừng thu” lệ phí đối với xe máy. Bên cạnh đó nhiều cử tri của Hà Nội, TPHCM cũng đồng tình việc bỏ thu phí đối với xe máy.

Địa phương lo gánh nặng ngân sách

Thế nhưng đối mặt với việc ngừng thu phí, nhiều địa phương trong đó chủ yếu là những địa phương nghèo e ngại rằng việc này sẽ làm thất thu ngân sách. Bởi lẽ từ nguồn thu phí đối với xe máy, nhiều địa phương đã chi dùng cho việc nâng cấp đường sá khá hiệu quả. Theo báo cáo từ Nghệ An, trong 2 năm 2013 - 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, địa phương này thu phí xe máy đạt 40 tỉ đồng. Số tiền này góp với phí thu được từ ôtô giúp duy tu, sửa chữa 24 tuyến đường tỉnh với tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng và 64 tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã với kinh phí 131,3 tỉ đồng. Ngoài ra Nghệ An cũng cho phép các địa phương được trích lại 60% tổng số tiền thu được từ khoản phí sử dụng đường bộ đối với môtô, xe gắn máy để tái xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Điều này lý giải việc có tới 30/32 địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách thu phí đường bộ đối với xe máy. Bộ GTVT cho rằng đang rất băn khoăn đối với việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy bởi nó liên quan đến ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương. Riêng Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng là những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nên nguồn thu phí đường bộ đối với xe máy không quá gắt gao, trong khi các địa phương khác lại đang rất cần để nâng cấp hệ thống giao thông của mình.

Theo Bộ GTVT và Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, việc có địa phương thu, có địa phương không thu tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Trong thời gian chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô, xe máy, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí đồng thời đề nghị giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi Nghị định số 18/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.

Theo Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ, việc bảo trì đường bộ địa phương và một phần cho đầu tư đường giao thông nông thôn cần khoản kinh phí lên tới 2.000 tỉ/năm từ xe máy. Tới năm 2016, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngừng thu phí đường bộ với môtô và xe máy, nhiều khả năng khoản này sẽ được bù đắp bởi việc tăng phí đăng ký mới đối với ôtô, xe máy.

Hiện TPHCM có phương án tăng lệ phí đăng ký mới từ 1.9.2015 với mức tăng rất cao đối với ôtô, trong đó mức phí đăng ký mới đối với ôtô con dưới 10 chỗ không kinh doanh tăng từ 2 triệu lên 11 triệu.

Đối với đăng ký mới, xe có giá trị dưới 15 triệu tăng từ 500.000 đồng lên 750.000 đồng; xe từ 15 - 40 triệu đồng, tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng (tăng 500.000 đồng, tương đương mức lệ phí bảo trì đường bộ trong 7 năm với xe máy); đối với xe trên 40 triệu đồng tăng từ 2 triệu lên 3 triệu đồng.

UBND TPHCM cho rằng, việc tăng này là để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và góp phần giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Phía TPHCM khẳng định: Mức đề xuất tăng cao nhưng vẫn chưa vượt quá mức thu tối đa được quy định tại Thông tư 127 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên đây có thể cũng là phương án bù trừ cho “lỗ hổng ngân sách” của các địa phương khi việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ xe máy được chính thức thông qua.

Theo Đặng Tiến - Anh Khoa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên