MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất “vùng cấm” trong trưng cầu ý dân

13-05-2015 - 09:05 AM | Xã hội

Góp ý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có điều cấm về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ

Ngày 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Tại kỳ họp QH thứ IX tới đây, QH sẽ cho ý kiến lần đầu dự luật này.

Ý dân là quyết định cuối cùng

Trình bày dự luật, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại. 167/214  quốc gia và vùng lãnh thổ đã có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, kiến nghị luật cần quy định cụ thể một số vấn đề không được trưng cầu ý dân như liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vai trò lãnh đạo của Đảng ở điều 4 Hiến pháp hay lợi dụng tổ chức trưng cầu ý dân để kích động phá hoại thống nhất Tổ quốc. “Vấn đề trưng cầu thuộc thẩm quyền của QH mà QH chưa thể quyết được ngay hoặc muốn nghe ý kiến của nhân dân thì tiến hành trưng cầu để sau đó, QH quyết định và luật phải làm rõ khi nào phải trưng cầu ý dân” - ông Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển lập luận: “Vấn đề vượt qua thẩm quyền QH thì phải xin ý kiến nhân dân, chứ thuộc thẩm quyền thì để QH quyết. Hay thuộc thẩm quyền QH nhưng vấn đề hệ trọng, QH chưa đủ sức mạnh pháp lý thì phải trưng cầu và phải theo ý kiến nhân dân”.

Ông Hiển cũng đồng tình với ông Phước về một số vấn đề không được phép trưng cầu như toàn vẹn lãnh thổ. “Lãnh thổ là ngàn đời cha ông lập dựng. Luật pháp thì phải rõ ràng, đừng mù mờ muốn hiểu sao cũng được” - ông Hiển nêu ý kiến.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thể hiện quan điểm dứt khoát: “Loại vấn đề đưa ra trưng cầu là thuộc thẩm quyền quyết định của QH nhưng QH thấy rằng cần thiết phải để dân trực tiếp quyết định như bauxite Tây Nguyên, điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Luật Dân sự... thì sau khi trưng cầu, ý kiến nhân dân phải là quyết định cuối cùng”.

Cần quy định việc đặt tên trong luật

Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thống kê đã có 7,5 triệu lượt ý kiến của người dân góp ý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết nhiều ý kiến của người dân đã đề nghị bổ sung nội dung: “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái”.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định chữ đệm, cả thế giới đang áp dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Một số nước còn bắt buộc phải lấy tên cha làm tên đệm, vì thế cần quy định trong luật. Về người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, ông Cường giải thích: “Những trường hợp không thuộc công dân nước nào, lại sống ở Việt Nam nên phải đưa vào để quản lý theo luật của Việt Nam”.

Bộ Luật Dân sự hiện hành và dự thảo bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không quy định về chuyển đổi giới tính. Ông Hà Hùng Cường nhấn mạnh qua tổng hợp có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, cho rằng dự thảo bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của nhà nước đối với việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác. Thứ hai, đề nghị nhà nước không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào điều 36 dự thảo bộ luật với 2 phương án: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính.

Theo Thế Dũng

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên