MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi mới đường sắt không có điểm dừng

08-05-2015 - 17:32 PM | Xã hội

Bán vé điện tử, khử mùi tàu, thay “áo mới” những chuyến tàu, chạy đúng giờ, thay đổi tư duy hàng vạn lao động...

Bán vé điện tử, khử mùi tàu, thay “áo mới” cho những chuyến tàu cũ kỹ, chạy đúng giờ. Và hơn thế là từng bước thay đổi tư duy của hàng vạn lao động, từ tư duy “xin - cho” sang tư duy phục vụ... Điều gì đã tạo nên những thay đổi đó? Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) trải lòng cùng chúng tôi.

Đừng bao giờ nói không làm được

Năm qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã làm rất nhiều việc được Bộ GTVT cũng như nhân dân ghi nhận. Theo ông thay đổi lớn nhất là gì?

Hai năm qua, cái được lớn nhất của đường sắt là đổi mới được tư duy của bộ máy quản lý, tiếp tục phát triển, thu nhập của người lao động tăng. Qua đó tạo được niềm tin của đội ngũ cán bộ công nhân viên, tạo được sự đồng thuận khi triển khai công việc. Tuy rằng, sự đổi mới tư duy còn chưa triệt để, nhưng dứt khoát với đà này thì tất cả phải tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với xu hướng đổi mới.

Nhiều người cũng hỏi tôi đường sắt làm được cái gì? Tôi nói luôn, làm được toàn những cái mà khi đưa ra nhiều người bảo không làm được.

Cụ thể là những cái nào, thưa ông?

Khi tôi đưa ra nghiên cứu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, vì nó quá cồng kềnh, lập tức nhiều ý kiến phản đối ngay. Ví dụ, tự nhiên các ông đẻ ra một công ty hàng, công ty hàng lại lập mấy chi nhánh. Cả nước có hơn 3 nghìn km đường sắt. Ở ga có bộ máy riêng nhưng lại không ký hợp đồng với khách hàng, mà khách phải xuống chi nhánh ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Khổ một điều là phải vài trăm cây số mới có một chi nhánh. Như vậy lại phải thông qua hệ thống đại lý, mà bản chất đại lý là “cò”. Giá vận tải của đường sắt chỉ 2.500 đồng, thì giá của “cò” là 6 nghìn đồng. Làm gì đường sắt chả đói.

101

Ông Trần Ngọc Thành

Nên tôi cho công ty hàng chuyển về công ty vận tải khách (tháng 4/2014). Lúc đó hai công ty vận tải khách đang quản lý toàn bộ hệ thống ga. Từ Đà Nẵng trở vào là công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý và từ Đà Nẵng trở ra là công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội quản lý. Như vậy khách hàng đến bất cứ ga nào cũng có thể làm hợp đồng vận chuyển được hàng hóa. Và giá cước vận tải từ 6 nghìn đồng ký qua đại lý trước đây, nay chỉ từ 3.500 đồng đến 4 nghìn đồng, thế là cả khách hàng và đường sắt đều được lợi, vì hợp đồng ký trực tiếp.

Ông Trần Ngọc Thành sinh năm 1960 tại Ninh Bình. Với chuyên môn kỹ sư cơ khí, từ tháng 11/1984, ông Thành là cán bộ kỹ thuật tại Xưởng bảo dưỡng - sửa chữa của Công ty Vận tải thủy bộ Hoàng Liên Sơn. Tháng 12/2000, ông Thành làm Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái. Từ tháng 7/2009, ông Thành làm Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải. Từ tháng 4/2013 đến nay, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN.

Hay như chuyện ai cũng thấy bình thường là bắt khách hàng làm đơn xin được cấp xe hàng. Xin lỗi, tôi dẹp hết. Tôi cấm các đơn vị dùng văn bản mẫu, bắt khách hàng phải làm đơn xin cái này, cái kia. Khách hàng là thượng đế, họ nuôi mình. Họ dùng dịch vụ của mình thông qua hợp đồng kinh tế, sao lại xin!? Phải bỏ ngay thói quan liêu, cậy quyền.

Riêng chuyện làm cầu vượt ke ga cũng khó khăn lắm. Nhiều cán bộ cứ bảo sợ động đến long mạch. Tôi bảo ai sợ động long mạch thì lên phòng tôi ngồi, còn tôi sẽ xuống đấy ngồi. Cuối cùng phải làm. Đến làm ke ga cao, các vị bảo cũng không làm được. Tôi hỏi vướng cái gì? Vướng cái nào đưa đây tôi ký, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật và yêu cầu tất cả các bộ máy liên quan chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của tôi. Xong rồi cũng làm được.

Rồi hệ thống bán vé đã cũ kỹ lạc hậu, không còn phù hợp thế kỷ 21 nữa cần phải thay đổi. Nhưng nhiều vị bảo không làm được do đặc thù đường sắt cắt chặng nhiều... Tôi bảo các anh cứ đưa ra yêu cầu quy trình đặc thù bán hàng của đường sắt, sau đó tôi sẽ tính. Còn thực hiện các yêu cầu đó là công việc của bên đối tác công nghệ. Sẽ có người chế tạo hệ thống đáp ứng được các yêu cầu đó.

Tôi quyết định phải làm. Nên tôi mời FPT và họ sẽ thiết kế đầu tư cho đường sắt toàn bộ hệ thống bán vé. Sau đó bán được một đồng vé thì trích lại cho họ bao nhiêu phần trăm. Tôi vừa không mất tiền đầu tư, tiền quản trị hệ thống mạng nhưng lại có hệ thống bán vé điện tử phục vụ dân tốt hơn. Đường sắt và FPT cộng sinh.

Tôi nghĩ, có khó mới cần phải lao vào làm, khó đâu gỡ đấy. Đừng bao giờ nói câu không làm được.

Tôi không đơn độc

Hiện những việc đưa ra để tiếp tục đổi mới, ông có gặp sự cản trở nhiều như trước?

Đổi mới là phá đi thói quen cũ. Mà như thế thì không bao giờ có sự thống nhất cao, chỉ nên dùng khái niệm có sự đồng thuận. Tôi rất tâm đắc câu nói của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair: Cải cách mà không có sự chống đối thì không phải là cải cách. Mình đưa ra một chính sách mới mà chẳng ai khen cũng chẳng ai chê thì coi như hỏng. Chúng ta phải chấp nhận sự ý kiến khác, kể cả những phản bác. Vì cái mới ra đời làm thay đổi cái cũ thì chắc chắn động chạm quyền lợi.

"Riêng chuyện làm cầu vượt ke ga cũng khó khăn lắm. Nhiều cán bộ cứ bảo sợ động đến long mạch. Tôi bảo ai sợ động long mạch thì lên phòng tôi ngồi, còn tôi sẽ xuống đấy ngồi. Cuối cùng phải làm."

Ông Trần Ngọc Thành

Chủ tịch Hội đồng thành viên

Tổng công ty Đường sắt VN

Năm qua đường sắt sắp xếp lại tổ chức càng động chạm, có những đầu mối cả vạn người. Công ty hàng, liên hiệp sức kéo, công ty vận tải hành khách dồn lại làm một. Riêng cái ghế trưởng phòng cũng đã khó sắp xếp lắm rồi, ở dưới còn mấy chục phó phòng nữa. Họ hy sinh nhiều lắm.

Ở đường sắt, anh em lên được chức trưởng ban, phó ban là phải phấn đấu cả đời, là cả danh dự... Thế nhưng vì sự phát triển của đường sắt, nay nhiều người chấp nhận đứng sang một bên, nhường người khác ôm súng xông lên. Tôi cảm ơn tất cả những hy sinh đó. Anh em tốt, không có lỗi gì nhưng vì sự phát triển thì họ không còn phù hợp nên phải thay thế.

Đến giờ phút này, ai cũng ủng hộ. Họ đang có niềm tin mãnh liệt vào sự đổi mới của ngành.

Với đường sắt ông là người mới, có khi nào ông cảm thấy đơn độc. Điều gì giúp ông có sự quyết liệt và nội lực mạnh mẽ để vượt qua?

Điều giúp tôi vượt qua được, thứ nhất là nhờ kinh nghiệm 30 năm làm nghề vận tải, lại trải qua khá nhiều vị trí, từ kinh nghiệm làm doanh nghiệp vận tải ở Yên Bái, rồi qua các vị trí quản lý nhà nước. Đây là vốn quý. Nên khi sang tiếp cận đường sắt, tôi nhìn ra được tồn tại để khắc phục. Thứ hai, ở đường sắt, cán bộ công nhân viên rất hiền lành và tốt tính. Trong hệ thống đường sắt, số lượng muốn đổi mới phải trên 70%, vấn đề là phải có người biết cách khởi xướng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn chỉ đạo sát sao nên tôi không có cảm giác đơn độc. Ban đầu tôi nghĩ phải 6 tháng sau quyết gì mới quyết, nhưng chỉ sau 3 tháng tôi đã quyết nhiều việc quan trọng.

Đổi mới hay từ chức?

Trong một cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT hồi đầu năm 2014, ông tuyên bố “nếu không đổi mới được đường sắt sẽ từ chức”. Đấy có phải là cách ông thể hiện quyết tâm: đổi mới hoặc từ chức?

Đúng là tôi tuyên bố câu đó để hạ quyết tâm cho chính mình, khi đó tôi cũng nhìn thấy các bước đi đã được định hình. Thể hiện niềm tin sẽ đổi mới được vì tôi đã đủ thời gian để khẳng định sẽ phải làm gì để phát triển rồi. Theo quyết định 98 về tái cơ cấu đường sắt chỉ thoái vốn 13 đơn vị, cổ phần hóa hai công ty in. Như thế là ít quá, tôi muốn sắp xếp lại bốn đơn vị, chuyển 15 Ban thành 11 Ban. Khối lượng công việc gấp nhiều lần quyết định ban đầu. Nếu không quyết định những việc thế, đường sắt có lẽ đã xuống bùn rồi. Lúc đó cứ mỗi tháng doanh thu tụt 10%, mà cứ tụt phần trăm nào lại tăng giá để bù vào. Nhưng càng tăng giá càng tụt. Tôi quyết định không chùn bước.

Tôi có niềm tin, căn cứ, quyết tâm chính trị, tiềm năng. Tôi nghỉ không quan trọng đâu, tôi làm vì yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc. Nếu tôi nghỉ có nghĩa tôi tự cho mình quyền hưởng thụ. Nhân cách không cho phép tôi làm thế.

Tự soi lại mình thấy sự đổi mới, nhưng nhìn ra các nước xung quanh thì đường sắt còn khá lạc hậu. Người dân vẫn mong muốn đường sắt phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Kế hoạch của ông để đổi mới trong những năm tới thế nào?

Đường sắt phải liên tục đổi mới và chưa nhìn thấy điểm dừng. Những việc trong hai năm qua mới chỉ là ban đầu. Phải đổi mới từng ngày, từng tháng, từng năm và xếp thứ tự ưu tiên làm trước, làm sau. Nếu làm một lúc sẽ không đủ tiềm lực cả về tài chính và con người. Đường sắt còn rất nhiều việc phải làm. Nhân dân đã ghi nhận đường sắt, anh em cán bộ công nhân viên phấn khởi. Thu nhập của người lao động tăng lên. Tôi tuyên bố đơn vị nào trả lương anh em dưới 3 triệu/tháng, tôi cách chức lãnh đạo luôn. Phải phấn đấu để phát triển tiếp, không được tự mãn. Ổn định là tụt lùi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới về chất. Vượt qua được cái khó ban đầu sẽ là nền tảng vững chắc để đi các bước tiếp theo. Từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất phải quyết tâm. Mục tiêu là đổi mới hàng ngày không có kết thúc. Khối lượng công việc của năm 2015 cực kỳ nhiều. Thoái vốn 27 doanh nghiệp. Cổ phần hóa 24 doanh nghiệp gồm hai công ty vận tải, 20 công ty kết cấu hạ tầng, hai nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An. Tổng công ty Đường sắt VN chỉ còn công ty mẹ theo mô hình TNHH. Tất cả các công ty thành viên đều cổ phần hóa 100%.

Năm 2015 sẽ đầu tư hai đoàn tàu mới, cân đối lại tài chính để quyết định đại tu thêm nhiều mác tàu, đóng thêm các toa hàng nữa... Làm cái gì cũng phải rất chắc chắn.

Cảm ơn ông!

>>>Đường sắt Việt Nam: Thu 400 tỷ, chi 2.000 tỷ đồng/năm

Theo Nhật Anh - Thiện Anh

 

 

PV

Báo giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên