MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án 90 tỉ đồng đầu tư giáo dục ở Gia Lai: Có dấu hiệu bị “rút ruột”

08-04-2014 - 13:13 PM | Xã hội

Hơn 90 tỉ đồng được dự án PEDC hỗ trợ xây dựng các điểm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thế nhưng, các công trình đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã hư hỏng nặng.

Sau khi có kết luận thanh tra của HĐND tỉnh, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng dự án đã bị “rút ruột”?

Hoang tàn

PEDC là dự án hỗ trợ giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tại Gia Lai, dự án được triển khai từ năm 2005 đến 2010 với tổng kinh phí hơn 90 tỉ đồng. Dự án xây dựng 430 điểm trường với hơn 1.005 phòng học; nhà giáo viên; công trình vệ sinh; trang thiết bị học tập tại 8 huyện.

Sở GDĐT đã thành lập Ban điều hành dự án cấp tỉnh với 6 thành viên do bà Nayh` Tuyết (nguyên GĐ Sở GDĐT tỉnh) làm trưởng ban, ông Nguyễn Văn Đông (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học) làm phó trưởng ban.

Các thành viên gồm: Ông Bùi Quang Tạo (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính), ông Hoàng Phương Đông (Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên), ông Lê Ngọc Lập (Hiệu trưởng Trường chuyên THPT Hùng Vương, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học cơ sở) và ông Sử Ngọc Thanh (nguyên kế toán, đã nghỉ hưu).

Đơn vị trúng thầu là DN Hùng Đạt (trụ sở tại thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cùng một vài nhà thầu “nghiệp dư” khác. Điều đáng nói, các điểm trường của dự án PEDC đưa vào sử dụng chưa được 2 năm đã bị xuống cấp trầm trọng, hư hại nặng nề.

Cụ thể, tại huyện Krông Pa, cô Tạ Thị Hài - Phó Trưởng phòng giáo dục huyện Krông Pa - lắc đầu: “Chỉ có 3/26 giếng nước, 3/28 nhà vệ sinh được sử dụng, 385 bộ bàn ghế đã bị hư hỏng”. Tại huyện Chư Pah, trong số 22 công trình vệ sinh được xây dựng thì đa số đều không sử dụng được. Nhiều bàn ghế của giáo viên và học sinh bị hư hỏng nhanh do làm bằng gỗ ép non; 12 phòng học bị hư hỏng nặng.

Ở huyện Đức Cơ, có 6 phòng học xuống cấp, 10/16 nhà vệ sinh hư hỏng, 181 bộ bàn, ghế học sinh kém chất lượng. Nhiều điểm trường ở các huyện khác thì tường không được tô trét, lát nền...

Khó hiểu nữa là việc quy hoạch vị trí các điểm trường được xây dựng tại những khu đất trũng, ngập lụt, sát nghĩa trang. Dù có trường, nhưng nhiều học sinh vẫn phải mượn tạm nhà dân để học nhờ. Đã có nhiều điểm trường bị bỏ hoang, cỏ rác bủa vây vì sự quy hoạch bất hợp lý các vị trí xây dựng. Nhiều trường xây xong nhưng lại “nợ” nhiều hạng mục so với bản thiết kế ban đầu.

Trách nhiệm thuộc về cán bộ nghỉ hưu?

Ngày 16.10.2013, HĐND tỉnh đã đi kiểm tra và phát hiện hàng loạt các hạng mục ở nhiều điểm trường tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện... hư hại, xuống cấp, sai thiết kế xây dựng... Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GDĐT - thừa nhận: “Hầu hết các công trình đều xây theo kiểu đối phó”.

“Dự án do bà Nayh` Tuyết điều hành. Việc giám sát, bà Nayh` Tuyết giao cho ông Đào Bá Đính trực tiếp quản lý” - ông Thạch cho biết. Điều khó hiểu là ông Đính được giao nhiệm vụ khi ông đã nghỉ hưu trước đó hơn chục năm.

Nguyên nhân của sự xuống cấp trong bản báo cáo, “Tình hình thực hiện dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC)” của Sở GDĐT gửi UBND tỉnh đã "thòng" rất khéo, do năng lực nhà thầu yếu; bão, lũ ảnh hưởng đến việc thi công, giá vật liệu tăng...

Trước khi “hạ cánh”, bà Nayh` Tuyết cùng các thành viên ban điều hành dự án đã để lại hàng loạt các điểm trường xuống cấp, bệ rạc trong sự “mừng hụt” của hàng ngàn học sinh, phụ huynh trên địa bàn. Ông Thạch cho rằng, trách nhiệm thuộc về các cán bộ nghỉ hưu, do cơ chế? Riêng người dân thì đặt câu hỏi, phải chăng dự án bị “rút ruột”, khi mà sự xuống cấp nhanh chóng của các điểm trường đưa vào sử dụng chưa được bao lâu.

Theo Đình Văn

cucpth

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên