MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng bỏ qua cơ hội vàng để phát triển đất nước

04-12-2014 - 09:02 AM | Xã hội

Bước vào thời kỳ dân số vàng với 70% dân số nằm trong độ tuổi lao động, Việt Nam có một nguồn lực rất tốt để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nếu không tận dụng và cải thiện chất lượng của lực lượng lao động này, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội vàng để phát triển đất nước.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và Phát triển thuộc ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Hải Phòng, ngày 3/12.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, cơ cấu dân số Việt Nam đang thay đổi “dữ dội”. Nếu như năm 1979, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của Việt Nam (từ 15-64 tuổi) chiếm 52,8% thì đến năm 2012, con số này đã lên tới 68,9%.

Tuy nhiên, số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy chỉ có 14% lao động Việt Nam được đào tạo, có bằng từ sơ cấp trở lên. Như vậy, 86% dân số Việt Nam chưa được hoặc thiếu được đào tạo. Điều này đồng nghĩa với việc lao động giản đơn của nước ta là chính và chất lượng đào tạo chưa cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo cũng mất cân đối nghiêm trọng. Ví dụ trong mấy năm gần đây, sinh viên thi vào các khối ngành tài chính, ngân hàng rất nhiều, trong khi lao động có tay nghề kỹ thuật cao lại quá ít,...

Đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Arthur Erken cũng nhận định, tại các khu công nghiệp hiện nay của Việt Nam, lao động chủ yếu là nữ với trình độ thấp, không hoặc rất ít được đào tạo. Có thể, công việc đó không cần tới người có trình độ cao. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không thay đổi trong việc đào tạo lao động thì sẽ “tạo” một nguồn lao động lớn có chất lượng không cao, không thể cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, để tận dụng và phát huy thời kỳ dân số vàng, Việt Nam cần tăng cường các chính sách để nhiều người trong độ tuổi lao động có việc làm, đồng thời nâng cao trình độ tay nghề của người lao động.

Cũng tại Hội nghị, ông Athur Erken đã nêu một số khuyến nghị mà Việt Nam cần hướng tới, đó là đảm bảo tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện và có chất lượng, đặc biệt là ở những vùng xa, và ở những dân tộc thiểu số và những nhóm dân số có trình độ học vấn thấp.

Cùng với đó, cần đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững.

Ngoài ra, Luật Dân số mà Việt Nam đang xây dựng cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.

Theo Thúy Hà

cucpth

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên