Gần 50% sự cố ảnh hưởng an toàn bay liên quan đến kỹ thuật
Hội nghị tổng kết công tác giám sát, đảm bảo an toàn hàng không năm 2014 và kế hoạch công tác năm 2015 của Cục Hàng không thống kê: Tổng số giờ bay năm 2014 là 327.856 giờ, tăng 57.425 giờ tương đương 21,2% so với cùng kỳ năm 2013, số chuyến bay là 183.314 lần chuyến tăng 20.835 lần chuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng về số giờ và số chuyến bay, thì số sự cố liên quan đến an toàn cũng tăng theo. Trong đó, ngoài vấn đề kỹ thuật thì cũng có không ít vụ liên quan đến việc hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn.
Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay-Cục Hàng không cho biết, trong năm 2014, tổng số sự cố liên quan đến an toàn hàng không là 71 vụ, 240 vụ mở mức E (vụ việc không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn), gia tăng so với 2 năm liền kề trước đó. Tuy nhiên, mức tăng cao chủ yếu nằm ở mức D (sự cố uy hiếp an toàn) với 60 vụ, tăng tới hơn 100% so với năm 2013. Số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) không tăng (8 sự cố). Một điểm đáng chú ý nữa là năm 2014 xảy ra 4 sự cố nghiêm trọng (sự cố mức B), trong khi đó năm 2013 chỉ là 1 vụ.
Điển hình của các vụ nghiêm trọng là sự cố xảy ra ngày 6/5 tại sân bay Melbourn, Australia, trên chuyến bay VN780, chặng bay MEL-SGN, tàu bay VN-A371 của hãng VNA; trong quá trình chạy đà cất cánh, tổ bay nghe thấy tiếng nổ bên động cơ số 2. Tổ bay quyết định đình chỉ cất cánh và quay lại bãi đậu kiểm tra. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi động cơ. Hiện cơ quan điều tra sự cố Australia (ATSB) đang điều tra nguyên nhân.
Gần hơn nữa là sự cố xảy ra ngày 20/11, tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) đã bị mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay do hỏng bộ lưu điện (UPS). Sự cố này đã làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng thời gian xảy ra sự cố.
Và gần nhất là sự cố lỗi kỹ thuật của chuyến bay chuyến bay mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đến TP Vinh khởi hành lúc 17h12 (giờ địa phương) chiều 16/12, khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật.
Sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ra thông báo cho biết nguyên nhân là do áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 FT (tương đương khoảng 11.000m) xuống 13.000 FT (tương đương khoảng 4.000m) và mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn. Ngay lập tức, tổ bay xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19h15. Cho đến thời điểm này, sự cố vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân…
Ông Vũ Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, phân tích nguyên nhân các sự cố cho thấy, ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân sự cố do hỏng hóc, kỹ thuật tàu bay vẫn cao (143 sự cố). Cũng theo ông Việt, số liệu thống kê sự cố do chim va đập, vật nuôi và vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh gây ra trong năm 2014 tăng mạnh, 51 vụ, so với cùng kỳ năm 2013, cho thấy công tác kiểm tra an toàn sân đỗ, khai thác khu bay và kiểm soát chim và động vật hoang dã vẫn còn chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho hành khách còn kém dẫn đến các vụ hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (27 sự cố trong khi năm 2013 chỉ có 3 sự cố)…
Cũng theo ông Việt, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn đã được ban hành cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn ICAO, tuy nhiên chất lượng thực hiện chưa cao. Công tác giám sát trực tiếp của Cảng vụ còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu. Các đơn vị chưa quyết liệt thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu về bảo đảm an toàn hàng không; việc áp dụng chế tài trong trường hợp phát hiện sai lỗi còn hạn chế. Cùng đó, vẫn còn lỗi hệ thống góp phần gây ra 2 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 1 sự cố nghiêm trọng (mức B).
>>> Máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp tối 16/12 do trục trặc kỹ thuật
Theo Đặng Nhật