“Giải mã” hụt thu ngân sách
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013 chủ yếu do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
- 23-10-2013Bổ sung một số báo cáo phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
- 23-10-2013Nâng trần bội chi và những thử thách
Chiều ngày 23/10, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 trước Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Qua phân tích tình hình thực hiện thu NSNN năm 2013, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, kinh tế tăng trưởng ước đạt 5,4% nhưng vấn đề hụt thu nội địa là khá lớn.
Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu NSNN tích cực hơn.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013 chủ yếu do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thu NSNN năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao, do kết quả thu NSNN năm 2012 giảm lớn so với ước thực hiện, nên tỷ lệ dự toán thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012, đây là mức tăng lớn.
Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng cũng đã gây ra hụt thu NSNN.
Ngoài ra, theo ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, hụt thu có nguyên nhân do số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương, một mặt cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặt khác, cho thấy công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao.
Đồng thời, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế. Điều này cho thấy, tình trạng kê khai sai, gian lận, trốn thuế vẫn xảy ra khá phổ biến, chưa giảm so với các năm trước.
Với những nguyên nhân trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN.
“Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.” – Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Theo Đức Nghiêm