MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám sát tối cao của Quốc hội chưa được đặt đúng vai trò, vị trí?

05-05-2015 - 08:30 AM | Xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội chung một băn khoăn là giám sát tối cao của Quốc hội mà chỉ gói gọn trong mấy từ “theo dõi, xem xét và đánh giá” thì hiệu quả, hiệu lực ở đâu?

Giám sát tối cao việc thực thi pháp luật là phương thức hữu hiệu để biết pháp luật được vận hành ra sao. Đây là cơ sở thực tiễn để những nhà lập pháp thấy cần phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật một cách kịp thời đồng thời đánh giá được hoạt động của các cơ quan công quyền.

Với lợi ích này, nhiều chuyên đề giám sát được các cơ quan của Quốc hội tiến hành. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, một số lượng không nhỏ văn bản được ban hành với nội dung trái luật cho thấy tính “khiêm tốn” về hiệu lực và thực quyền của Quốc hội trong giám sát.

Hơn 9.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản, trong đó có hơn 1.500 văn bản pháp luật vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản là số liệu được Bộ Tư pháp báo cáo trong năm 2014. Cùng với tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, những văn bản sai về hình thức lẫn nội dung, thậm chí vừa ban hành đã bị phản ứng của dư luận vì thiếu tính khả thi là thực trạng tồn tại từ nhiều năm nay. Nó phản ánh một thực tế rằng tại mỗi kỳ họp Quốc hội ban hành nhiều luật nhưng luật có phát huy được trong cuộc sống hay không lại là chuyện ít liên quan.

Thế nên mới có tình trạng cán bộ thực thi cấp cơ sở áp dụng văn bản luật hết hiệu lực hoặc không thể nhớ nổi bao nhiêu văn bản hướng dẫn để áp dụng cho chuẩn xác. Cán bộ như vậy nói gì đến người dân. Do vậy, trước khi đề cập thực quyền của Quốc hội trong giám sát thực thi luật, không ngạc nhiên khi đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị: “Cần xem lại nguyên nhân và giải pháp từ chính Quốc hội, trước hết cần hạn chế xây dựng những bộ luật đồ sộ. Nếu làm như vậy sẽ có điều kiện quy định cụ thể hơn, hạn chế việc ủy quyền. Còn nếu để như hiện nay không tránh khỏi tình trạng luật chờ nghị định, thông tư, kéo dài tình trạng chậm ban hành”.

Quốc hội là cơ quan ban hành luật nên cần kiểm soát một cách chặt chẽ và nghiêm túc tình hình thực thi pháp luật như thế nào. Yêu cầu bắt buộc này được hiện thực hóa trong chức năng giám sát tối cao. Mặc dù nhiều chuyên đề giám sát của Quốc hội được tiến hành nhưng tỷ lệ văn bản trái luật vẫn tăng, tính tuân thủ chưa nghiêm. Câu hỏi giám sát cái gì, giám sát như thế nào, cơ chế nào đảm bảo hiệu lực giám sát tối cao của Quốc hội vẫn đặt ra và cần câu trả lời thỏa đáng.

Đại biểu Phạm Thị Hải, đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Giám sát thì không cần phải nhiều đoàn, không cần phải nhiều nội dung nhưng nội dung nào đi sâu vào nội dung đó. Đại biểu tham gia giám sát ở địa phương nên chăng tiếp tục giám sát ở Trung ương thì mới đảm bảo sự liên tục, làm hết trách nhiệm. Có nghĩa là nên nội dung ít, đoàn giám sát không cần phải nhiều nhưng đại biểu được đeo bám đến cùng nội dung mình mong muốn”.

Nhiều đại biểu Quốc hội chung một băn khoăn là giám sát tối cao của Quốc hội mà chỉ gói gọn trong mấy từ “theo dõi, xem xét và đánh giá” thì hiệu quả, hiệu lực ở đâu. Để tạo nên những thay đổi căn bản về chất trong hoạt động giám sát của Quốc hội, theo ông Nguyễn ĐÌnh Quyền,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì cách thức tổ chức phải chu đáo, kỹ lưỡng và kết luận giám sát nhất thiết phải đề xuất hình thức xử lý.

“Tôi đề nghị một trong những nội dung Quốc hội cần phải chỉ đạo đó là tất cả các Ủy ban khi tiến hành các đoàn giám sát phải chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu trước nhất là nghiên cứu về tình hình ở đó, trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt nghiên cứu về các đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài của đối tượng chịu sự giám sát đó. Tất cả các kết luận phải cụ thể, làm rõ trách nhiệm và trong trường hợp cần thiết thì kiến  nghị xử lý”, ông Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu trong một phiên thảo luận (Ảnh: Thảo Nguyên)

Cùng chung quan điểm này, ông Hà Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng chỉ khi kết luận giám sát ràng buộc cụ thể và chặt chẽ trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát trước Quốc hội thì hiệu lực của kết luận đó mới đảm bảo, thực quyền của Quốc hội trong giám sát mới được khẳng định.

“Giám sát để mà thực hiện đảm bảo luật Quốc hội đã thông qua phải được thực thi và cưỡng chế một cách có hiệu quả. Cái cuối cùng phải xác định được trách nhiệm của cơ quan, trách nhiệm của người đứng đầu bởi vì thủ trưởng cơ quan cũng phải thực hiện nhiệm vụ mà luật pháp cho phép, đấy là một phần trách nhiệm chính trị của anh, cả pháp lý nữa. Và cái nữa nó sẽ dẫn đến câu chuyện tín nhiệm. Anh đã thực hiện nghiêm túc chưa, uy tín, tín nhiệm của anh trước cử tri như thế nào”, ông Hà Huy Thông nói.

Không thể giám sát xong rồi để đó, kết luận giám sát nhiều khi hiệu lực không cao bằng kết luận thanh tra là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải có đổi mới căn bản và hữu ích ngay trong những quy định của dự thảo luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đang được xây dựng. Giám sát tối cao của Quốc hội phải tương xứng, phải được đặt đúng vai trò, vị trí của nó. Giám sát tối cao việc thực thi pháp luật gắn với quyền lực của Quốc hội trong đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo Vân Hồng

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên