Gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi
Mùa tuyển quân năm nay cả nước thực hiện theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 với nhiều quy định mới, trong đó thời gian tại ngũ sẽ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
- 09-02-2015“Nhiều người đã lợi dụng chính sách tạm hoãn nhập ngũ”
- 19-01-2015Thời sự 24h: Sinh viên đại học chính quy có thể được tạm hoãn nhập ngũ
Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016) có nhiều quy định mới liên quan đến nghĩa vụ và quyền hạn của công dân trong việc tham gia bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Tiến, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM (ảnh), xung quanh những quy định mới này.
Kéo dài tuổi, thời gian NVQS
. Phóng viên: Thưa đại tá, Luật NVQS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung mới như thế nào so với quy định cũ trước đây?
+ Đại tá Phạm Tiến: So với Luật NVQS trước đây thì Luật NVQS năm 2015 có nhiều quy định mới, trong đó đáng chú ý là thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng (luật cũ quy định hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân phải phục vụ 24 tháng, hạ sĩ quan và binh sĩ khác chỉ phục vụ 18 tháng).
Ngoài quy định chung độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, luật mới đã bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo ĐH, CĐ.
So với luật cũ thì luật mới quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng NVQS các cấp có sửa đổi như sau: Chỉ huy trưởng các cấp là phó chủ tịch thường trực hội đồng NVQS, trưởng công an là phó chủ tịch hội đồng NVQS.
Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi, thực hiện gọi công dân nhập ngũ một lần trong năm vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Thêm đối tượng miễn và hoãn nhập ngũ
. Đối tượng hoãn gọi nhập ngũ ở luật mới có được mở rộng hơn hay vẫn giữ nguyên?
+ So với Luật NVQS cũ thì Luật NVQS năm 2015 thêm hai đối tượng được tạm hoãn là một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%. Giới hạn đối tượng học sinh-sinh viên được tạm hoãn NVQS chỉ những học sinh-sinh viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục ĐH, trình độ CĐ hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành NVQS tại ngũ sẽ được tiếp nhận lại để học tập.
. Còn đối tượng miễn gọi nhập ngũ thì sao?
+ Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân con liệt sĩ, con thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, CAND; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên cũng được miễn gọi nhập ngũ.
Ngoài người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người mắc bệnh mạn tính khác theo quy định hiện hành thì người mắc bệnh hiểm nghèo cũng được miễn đăng ký NVQS.
Như vậy, đối tượng miễn gọi nhập ngũ có bổ sung thêm một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trốn NVQS sẽ bị phạt tù
. Công dân đăng ký thường trú ở một nơi nhưng sống tạm trú một nơi khác và người này không biết thông tin mình được gọi nhập ngũ thì phải làm sao?
+ Hội đồng NVQS phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường) có trách nhiệm thông báo tới công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương mình. Đối với công dân đang tạm trú tại nơi khác thì việc khám sức khỏe hoặc nhận lệnh gọi nhập ngũ bằng nhiều hình thức như gửi qua đường công văn hoặc ban chỉ huy quân sự phường cử cán bộ trực tiếp đến gửi thư mời. Nếu trường hợp công dân cố tình không nhận hoặc chống lệnh gọi thì hội đồng NVQS phường xử phạt theo quy định của pháp luật.
. Những đối tượng vi phạm Luật NVQS nhiều lần thì sẽ bị phạt như thế nào, thưa đại tá?
+ Nếu công dân vi phạm Luật NVQS thì xử phạt hành chính theo Nghị định số 120/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu). Ngoài ra, theo BLHS hiện hành: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
. Trường hợp có thắc mắc, khiếu nại liên quan đến công tác tuyển quân, gọi thanh niên nhập ngũ có thể liên hệ ở đâu?
+ Căn cứ Luật NVQS năm 2015, nhiệm vụ của hội đồng NVQS các cấp có trách nhiệm xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thực hiện pháp luật về NVQS. Công dân có thể liên hệ trực tiếp ban chỉ huy quân sự cùng cấp để khiếu nại, tố cáo.
. Xin cám ơn đại tá.
Bệnh tật thế nào mới được miễn NVQS?
. Theo quy định hiện hành, những người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính được miễn đăng ký NVQS. Vậy cụ thể là những căn bệnh nào?
+ Căn cứ theo Thông tư liên tịch số 36/2011 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng (quy định các bệnh được miễn đăng ký NVQS) thì những trường hợp sau đây được miễn NVQS:
Động kinh thỉnh thoảng lên cơn; tâm thần; phù thũng lâu ngày do bị các bệnh như suy tim, viêm thận, thận hư, suy thận mạn tính…
Bệnh chân voi (do giun chỉ) không lao động được; chân tay tàn tật, biến dạng, mất chức phận chi do mọi nguyên nhân; lao xương khớp, lao hạch đang tiến triển; phong các thể chưa ổn định; câm hay ngọng líu lưỡi từ bé; điếc từ bé; mù hoặc chột mắt;
Bệnh run tay chân quanh năm, đi lại khó khăn, không lao động được hoặc chân tay có những động tác bất thường múa giật; múa vờn; liệt nửa người trái hoặc phải, liệt hai chi dưới; gầy còm, hốc hác, yếu đuối, cơ thể suy kiệt khó có thể hồi phục được do mắc các bệnh mạn tính như lao xơ hang, hen dai dẳng, có biến chứng tâm phế mạn hoặc khí phế thũng, xơ gan cổ trướng;
Cổ bị cố tật, ngoẹo rõ rệt từ nhiều năm; lùn quá khổ (chiều cao đứng dưới 140 cm); gù có bướu ở lưng do di chứng lao cột sống, chấn thương cũ làm cột sống tổn thương để lại di chứng;
Tật sụp mi mắt bẩm sinh; sứt môi kèm theo khe hở vòm miệng chưa vá; trĩ mũi có rối loạn phát âm;
Bệnh khớp có biến dạng teo cơ, cứng khớp; các bệnh lý ác tính; người nhiễm HIV.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh