MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai bị cáo đầu tiên trong vụ Dương Chí Dũng chống án

27-12-2013 - 16:58 PM | Xã hội

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đến ngày 27/12, nhiều bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng đã làm đơn kháng án đến TAND Tối cao nhằm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Xin giảm cả hình sự lẫn dân sự

Trong lá đơn chống án, bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) bị HĐXX ở phiên sơ thẩm tuyên 22 năm tù cho hai tội Tham ô và Cố ý làm trái mong muốn được giảm nhẹ hình phạt trong phiên phúc thẩm.

Cụ thể, ông Sơn thừa nhận: “Quá trình xét xử tại TAND TP Hà Nội, bị cáo đã nhận thức được hành vi Cố ý làm trái và Tham ô tài sản của bị cáo như đã nêu trong cáo trạng của Viện KSND Tối cao là đúng người đúng tội. Bị cáo mong muốn được sửa chữa những sai lầm của mình, khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra” – đơn chống án có đoạn.

Cũng trong đơn kháng án, ông Sơn đề nghị được Tòa phiên phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, với 2 lý do: Trước hết, bị cáo mong muốn Tòa Phúc thẩm – TAND Tối cao xem xét đến yếu tố cá thể hóa hình phạt, cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong hai tội danh Tham ô và Cố ý làm trái để giảm nhẹ mức án.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị được giảm mức trách nhiệm bồi thường dân sự, số tiền hơn 39 tỷ đồng. Lý do xin giảm án được bị cáo Sơn đưa ra chính là truyền thống cách mạng của bản thân và gia đình.

“Bị cáo được sinh trưởng trong gia đình bố mẹ đều là cán bộ công chức Nhà nước. Bố đẻ bị cáo từng là sỹ quan trong quân đội, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương... Bản thân bị cáo, trong gần 30 năm làm việc trong ngành hàng hải Việt Nam đã phấn đấu, cống hiến cho ngành, chưa một lần bị kỷ luật…” – ông Sơn trình bày trong đơn.

"Bản án sơ thẩm không thỏa đáng"

Trong đơn chống án của mình, bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, Đăng kiểm viên – Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị HĐXX tuyên 7 năm tù về hành vi Cố ý làm trái) cho rằng bản án sơ thẩm kết tội mình là chưa thỏa đáng, chưa đủ căn cứ.

Theo bị cáo Dương, quá trình công tác, ông này được Cục Đăng kiểm Việt Nam cử đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại Cộng hòa liên bang Nga cho Vinalines. Khi đó, trong danh mục tài liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn để thực hiện công việc này. Và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định ụ nổi theo hướng dấn của Cục Đăng kiểm.

“Do vậy, tôi đã vận dụng kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế và tham khảo các tài liệu của Cục Đăng kiểm… Sau khi hoàn thành công việc giám định hiện trường, tôi về Việt Nam lập biên bản kiểm tra kỹ thuật ký ngày 8/8/2008. Biên bản này đã được lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 soát xét, ký phê duyệt, Phòng Tàu biển và lãnh đạo Cục xem xét, chấp nhận để làm căn cứ lập chứng thư giám định do Cục trưởng Nguyễn Văn Ban ký. Điều này khẳng định tôi đã không làm sai hướng dẫn…” – ông Dương lập luận, và cho rằng mình đã không làm sai hướng dẫn của ngành.

Cũng trong đơn kháng án, ông Dương cho biết thêm, biên bản giám định do ông này ký và lập vào ngày 8/8/2008 đã phản ánh đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại thời điểm kiêm tra.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Dương khẳng định: “Tôi bị tuyên phạt phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng là không có cơ sở. Các bị cáo khác ở hải quan bị phạt tù nhiều hơn tôi mà trách nhiệm dân sự lại thấp hơn tôi. Vì vậy, tôi kính mong TAND Tối cao xem xét”.

Theo Bảo Thắng

cucpth

Tienphong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên