MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai quận Từ Liêm mới muốn tăng gấp đôi nhân sự, thêm xe công

11-04-2014 - 09:23 AM | Xã hội

Lãnh đạo hai quận vừa tách từ huyện Từ Liêm (Hà Nội) đều mong muốn tăng gấp đôi số công chức cho bộ máy chính quyền mới hoạt động.

Mới thành lập đã xin thêm

Ngày 10/4, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ban ngành của thành phố đã có các cuộc làm việc với hai quận mới thành lập là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch quận Nam Từ Liêm, cho biết, hiện biên chế của quận là 64 người, chỉ bằng 50% số cán bộ của huyện Từ Liêm trước đây nên rất khó đảm đương công việc lớn.

Quận đề nghị thành phố sớm giao chỉ tiêu biên chế chính thức cho 2 quận mới với định mức tối thiểu bằng định mức giao quận Cầu Giấy, Thanh Xuân là 125 biên chế.

Chủ tịch quận Nguyễn Văn Tứ cũng kiến nghị thành phố xem xét cho phép hai quận Bắc và Nam Từ Liêm được mua thêm ôtô theo quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội  Vũ Hồng Khanh cho rằng muốn ổn định sớm thì các quận phải “vừa chạy nhanh, vừa xếp hàng ngay ngắn.” Hai quận phải sửa đổi cơ chế chính sách, chuyển đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm.

Thành phố cũng sẽ xem hai quận là mô hình thí điểm điển hình đưa công nghệ thông tin vào nền hành chính công một cách bài bản ngay từ đầu.

Trước đó, UBND TP khẳng định, việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm thành 2 quận và 23 phường là một tất yếu khách quan, xuất phát từ nguyện vọng của nhân, của Đảng bộ, chính quyền huyện Từ Liêm.

Lời tiên đoán hiệu nghiệm

Việc hai quận này, tiến hành xin thêm nhân sự, cũng như kinh phí, cho thấy dự báo của ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm là hoàn toàn chính xác.

Tháng 12/2013, tại cuộc họp bất thường HĐND huyện Từ Liêm xung quanh vấn đề tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, anh Kiên là đại biểu duy nhất trong số 33 đại biểu không “bấm nút” tán thành.

Nói về nguyên do, ông Kiên nhấn mạnh: "Việc thành lập 2 quận sẽ dẫn tới phát sinh một bộ máy hành chính mới với khoảng 500-700 công chức".

“Tôi nhẩm tính, mức chi thường xuyên theo năm 2012 đã là khoảng 563 tỷ đồng. Mà đấy mới chỉ là chi thường xuyên thôi chứ có thêm quận mới thì phải xây dựng trụ sở mới, sân vận động mới, tòa án, viện kiểm sát, công an, quân sự đều phải mới. Để làm được điều đó thì cần có kinh phí từ đâu? Xin thưa, đó đều là tiền thuế của dân” - ông Kiên khẳng định.

ĐB Nguyễn Hữu Kiên trong một phiên phát biểu chất vấn

ĐB Nguyễn Hữu Kiên trong một phiên phát biểu chất vấn

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của huyện Từ Liêm và theo tầm nhìn 2020-2030, Từ Liêm sẽ nằm trong nội đô, trụ sở của các bộ ban ngành đều chuyển về Từ Liêm thì việc đưa huyện này thành quận là hợp lý; nhưng theo ông Kiên, cách thức tiến hành cũng phải hết sức cân nhắc, không nên đưa ra những lời “hứa treo” với người dân.

Ông Kiên cũng đưa ra bài học của quận Tây Hồ. Quận này được thành lập năm 1995, từ năm đó tới 2003 gần như đầu tư cho cơ sở hạ tầng không tăng là mấy. Mọi người hi vọng lên quận sẽ được đầu tư nhiều hơn, nhưng nhìn lại thì không được như vậy. Từ năm 2004-2005, đầu tư tăng lên sở dĩ vì thu hồi đất đai, bồi thường nhiều nên có nguồn chứ không có định hướng lên quận phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho khớp nối.

Ngoài ra, nếu nhìn tổng thể, tách thành 2 quận sẽ nảy sinh mâu thuẫn mới là Nam Từ Liêm rất phát triển vì khu vực này tập trung các công ty, trụ sở lớn và được đầu tư nguồn vốn lớn.

Trong khi đó, Bắc Từ Liêm chủ yếu là đất nông nghiệp sẽ không có nguồn vốn để phát triển. “Tiêu cực hay không thì tôi không tự đánh giá, nhưng rõ ràng, nếu chỉ là 1 quận thì sẽ tránh được rất nhiều phát sinh”,ông Kiên phân tích.

Theo Thái Linh

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên