MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn nặng, thủy điện “khát nước”, dừng phát điện

16-03-2016 - 09:38 AM | Xã hội

Hàng loạt các hồ thuỷ điện miền Trung - Tây Nguyên chịu hạn hán nghiêm trọng - lưu lượng nước về hồ thấp khiến mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Để giữ nước cho hạ du trong mùa kiệt, nhiều nhà máy thuỷ điện đã bị buộc phải ngừng phát điện nhiều tháng nay.

3 tháng ngừng phát điện

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc, Quảng Nam - chia sẻ: Cả huyện có 18 xã thì 10 xã phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước dòng Vu Gia, 8 xã còn lại sử dụng nước từ hồ chứa nước Khe Tân. Tuy nhiên, trước diễn biến hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, chính quyền huyện Đại Lộc đã chủ động yêu cầu bà con xuống giống từ ngày 22.12.2015 để đón nước trong mùa lũ.

Tuy nhiên, 2 năm nay, lũ không về. Để có đủ nước cho gieo trồng vụ đông xuân, huyện Đại Lộc phải huy động tối đa các trạm bơm, hoạt động liên tục. Nhưng với vụ hè thu tháng 5 tới, nếu tình hình khô hạn vẫn tiếp diễn, địa phương phải tính toán để mở rộng một số trạm bơm vét nước từ các sông suối, đồng thời lên kế hoạch chuyển đổi khoảng 300/4.400ha trồng lúa sang trồng đậu, ngô là các cây trồng ngắn ngày, giúp tiết kiệm nguồn nước.

Khô hạn đang khiến nhiều dòng chảy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cạn kiệt, dẫn đến các hồ thuỷ điện đều không đạt kế hoạch tích nước. Tính đến cuối năm 2015, nhiều hồ thuỷ điện không tích đủ nước là thuỷ điện A Vương, Sông Ba Hạ, Yaly, Sê San 4, các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Sêrêpok gồm Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Serepok... Phó Giám đốc Cty thuỷ điện A Vương Lê Đình Bản cho biết: Đến hết mùa lũ, A Vương cũng chỉ tích được đến 357m, thiếu 23m so với mực nước dâng bình thường (là cao trình đầy hồ).

Từ ngày 8.12.2015 đến nay, do lưu lượng nước về rất thấp, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã tạm thời tách thuỷ điện A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh, và từ bấy đến nay, đã hơn 3 tháng, thuỷ điện A Vương không phát điện. Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc - xác nhận, việc dừng phát điện của thuỷ điện A Vương cũng là theo yêu cầu của địa phương để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong các tháng cao điểm nắng nóng (dự báo khoảng tháng 5 - 6 tới) khi nhu cầu nước sinh hoạt tăng cao, và nhu cầu điện cũng tăng cao, lúc đó thuỷ điện vừa phát điện, vừa xả nước.

Không có nước thì cực lắm

Tại huyện Krông Nô (Đắk Nông) là hạ lưu của thuỷ điện Buôn Tua Srah, người dân chỉ còn biết trông mong vào thuỷ điện. Bác Trương Cúc (62 tuổi, ngụ tại thôn Lâm Xuân, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết: Trước đây, tôi làm nông nghiệp, hòa vốn là may, chẳng có lời. Năm nào đủ nước tưới thì thu hoạch 1 sào được 1 tấn thóc, nhưng năm nay khô hạn, chỉ được 5 tạ 1 sào thôi. Chuyển sang trồng cà phê, vẫn không đủ nước tưới vì khu vực này cách xa sông Krông Nô. Nay giá càphê cũng hạ, năng suất thấp do hạn hán, thiếu nước nên dân không dám đầu tư vào trồng cây càphê.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô (Đắk Lắk) Doãn Gia Lộc cho biết: Diện tích bị ảnh hưởng từ nguồn nước tưới của thủy điện là 7.000/43.000ha; vài năm gần đây, lượng mưa đã giảm khoảng 60% lượng mưa trung bình nhiều năm. Tỉnh, huyện chỉ đạo bà con chủ động lên kế hoạch sản xuất, triển khai mùa vụ sớm hơn mọi năm từ 10 - 15 ngày, những vùng xa, nguồn nước không đảm bảo phải được chuyển đổi diện tích cây trồng, từ lúa nước sang trồng ngô lai, khoai lang. Nếu không có thuỷ điện điều tiết nước chống hạn thì 7.000ha coi như mất trắng.

Theo ông Trương Công Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Đắk: Các nhà máy thủy điện trên dòng Sêrêpok đã buộc phải tách ra khỏi thị trường điện từ 8.3.2016, tuân thủ lệnh điều tiết vận hành của tỉnh theo quy trình vận hành liên hồ trong mùa kiệt.

Tính đến nay, trên các sông suối ở Đắk Lắk có khoảng 23 dự án thủy diện với tổng công suất 970MW; trong đó dòng Srêpôk có 13 nhà máy thủy điện, công suất 850MW, có 8 hồ thuỷ điện lớn nhỏ. Tuy nhiên, duy nhất có hồ Buôn Tua Srah là có thể trữ nước ở lòng hồ điều tiết năm. Các hồ thuỷ điện còn lại chỉ điều tiết ngày đêm. Vì vậy, theo ông Hồng, tỉnh sẽ giữ vai trò điều phối việc vận hành các hồ thuỷ điện, đến cuối cuối mùa khô, đầu mùa lũ, các hồ thuỷ điện phải tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ, không được phép phát điện nếu địa phương chưa cho phép.

Theo Hồng Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên