MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt Nam gia công bị làm giả, Việt Nam mất gì?

20-07-2014 - 17:01 PM | Xã hội

Không chỉ sản xuất trong nước, nhiều đối tượng còn đặt hàng ở nước ngoài đưa về Việt Nam và gắn nguồn gốc xuất xứ “Made in Việt Nam".

Việt Nam yếu vì nền kinh tế gia công toàn diện! Giảm 30% giá thuốc đạt tiêu chuẩn WHO sau khi gia công

TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Vũ Hải - Giám đốc Trung tâm chống hàng giả cho biết, hiện lượng hàng giả và hàng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ có nguồn gốc từ nước noài chiếm khoảng 60-65%, hàng sản xuất trong nước chỉ khoảng 35-40%.

Điều này làm giảm uy tín của các thương hiệu chính phẩm, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng lại với sản phẩm.

Bên cạnh đó, với lợi thế về giá cả nên hàng giả và hàng nhái khiến những hàng hóa chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính.

Qua khảo sát của Trung tâm Chống hàng giả, hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các chợ vùng cao, vùng nông thôn, đến vỉa hè các đô thị. Thậm chí, nhiều loại đã được đưa vào những siêu thị cao cấp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam thu được gì khi chỉ làm gia công?

Hiện một số ngành sản xuất của Việt Nam dù bán trên thế giới được gắn nhãn mác "Made in Việt Nam" tuy nhiên Việt Nam vẫn chủ yếu là làm gia công như ngành dệt may, giày da, điện tử, cơ khí...

Cụ thể, với hàng dệt may Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, bình quân kim ngạch xuất khẩu tăng 12%/năm nhưng vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức gia công cho nước ngoài và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, hiệu quả xuất khẩu của ngành còn được đánh giá là rất thấp.

Việc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lại cạnh tranh chính với đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… càng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, sau nhiều năm phát triển thì tỷ lệ làm hàng gia công của Việt Nam vẫn chiếm 70%, và như thế, doanh nghiệp chỉ nhận được 15% giá trị từ đơn hàng, nếu làm hàng FOB thì cao hơn từ 25 đến 30%. Với các nước chủ động về nguồn nguyên phụ liệu hoặc đã tham gia được vào thị trường ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) thì tỷ lệ này lên đến 40 – 50%.

Trong khi đó, theo đánh giá của các khách hàng, tay nghề lao động của ngành may xuất khẩu Việt Nam hiện đã hơn hẳn nhiều nước. Trình độ tổ chức sản xuất, đảm nhận những đơn hàng xuất khẩu có độ khó như đồ vest, jacket, đồ thể thao hay thậm chí là hàng thời trang sản xuất với số lượng ít nhưng chất lượng cao… tạo được sự tin cậy của đối tác, nên dù trong những năm suy giảm về kinh tế vừa qua, ngành may xuất khẩu vẫn duy trì được sự phát triển so với nhiều ngành nghề khác.

Giống như dệt may, các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu làm gia công cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm thường thấp. Giá gia công bình quân thường chỉ chiếm khoảng 10% giá bán sản phẩm, thậm chí, có đôi giày giá bán lên đến hàng trăm USD nhưng các DN Việt Nam khi làm gia công chỉ được hưởng từ 2 đến 2,2 USD/đôi.

Với ngành sản xuất điện thoại di động mặc dù có sự có mặt của các hãng điện thoại lớn như Samsung (Hàn Quốc) với kỳ vọng sự chuyển giao công nghệ sẽ được tạo ra các donh nghiệp Việt sẽ tham gia trong chuỗi sản xuất đó song thực tế ở Samsung Bắc Ninh, có nguồn tin cho rằng trong tổng số 52 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cấp cho Samsung, chỉ có 4 doanh nghiệp là có 100% vốn Việt Nam.

Số doanh nghiệp trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Trong khi đó, đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một sốcông ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân khiến việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đã không diễn ra như kỳ vọng về cả số lượng lẫn chất lượng, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ.

"Để thu hút được dòng vốn nước ngoài, chúng ta đưa ra rất nhiều biệt đãi chẳng hạn như ưu đãi thuế hay chính sách thuê đất nhưng không kèm theo những ràng buộc.

Do không có ràng buộc phù hợp nên nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ để tận dụng các biệt đãi này mà hầu như không phải thực hiện cam kết nào, và một khi các ưu đãi này không còn họ sẽ tìm kiếm các ưu đãi khác hoặc rút đi khi môi trường không còn thuận lợi so với các nước khác", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho biết, Việt Nam không nên trông chờ các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ cho chúng ta, càng không nên hy vọng đó là công nghệ hiện đại. Không ai sẵn lòng chia sẻ cái tốt nhất, bí kíp công nghệ mà họ có cho người khác trừ khi nó giúp tối đa hóa lợi nhuận cho họ.

Từ những thực tế trên đây, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công toàn diện, khu vực FDI hay khu vực trong nước đều là gia công.

>>>Việt Nam yếu vì nền kinh tế gia công toàn diện!

Theo Hà Anh

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên