MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kê khai tài sản trong kinh tế “bao tải tiền“

14-01-2014 - 11:34 AM | Xã hội

3.000-4.000 tỉ đồng đã đi đâu? Đây là câu hỏi được đặt ra ngay từ đầu trong vụ án Huyền Như. Và chắc chắn, đặt ra rồi cũng chỉ để đó.

Nó đầy những băn khoăn như số tiền 500.000USD mà Dương Chí Dũng khai đã đưa cho “một ông anh”.

Những dấu hỏi, những băn khoăn của dư luận đang chỉ minh chứng một điều: Tất cả những quy định về kê khai tài sản ở ta cho đến giờ hầu như chỉ là những quy định trên giấy, đặt ra đó, nhưng ít tác dụng trên thực tế.

Không ai biết được tài sản của một cán bộ, trừ phi ông ta liên quan đến một vụ án tham ô, cho dù những bảng kê khai tài sản vẫn được bổ sung hằng năm, được công khai tại nơi người đó làm việc.

Đáng lẽ, nếu sống trong một nền kinh tế phi tiền mặt, mà mọi khoản thanh toán từ cái hóa đơn tiền điện đều được thực hiện qua nhà băng, thì “ông anh” nọ hoàn toàn có thể cười nhạt trước những lời khai nửa triệu đôla khi sự trong sạch của ông nằm ngay trong những tờ sao kê ngân hàng.

Đáng lẽ, cả người dân, cả Nhà nước đã không mất trắng hàng ngàn tỉ đồng, khi số tiền dù được Huyền Như chuyển đi đâu thì nó cũng “có vết” ở nhà băng.

Chỉ đáng tiếc là những quy định về kê khai tài sản trước nay, có vẻ giống “thứ phải có” để hợp với một lộ trình hội nhập nào đó, hoặc theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Nó vô hại, bởi đơn giản là người ta vẫn có thể “vác bao tải tiền đi mua nhà” - trên phố Lý Thường Kiệt chẳng hạn - trong khi chẳng phải chứng minh với ai về nguồn gốc số tiền mà cả đời “ăn không khí, uống nước lã” cũng không thể dành dụm nổi.

Nhớ hồi đầu tháng, quy định trong “Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch, tài sản thu nhập” đã trở thành chuyện hài hước khi buộc người ta phải kê khai cả… cây cảnh!

Cây cảnh là gì, là loại tài sản - nói như nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm - thì “Anh ưng, anh muốn mua thì anh trả 1 tỉ đồng. Nhưng với một ông khác lại bảo, tôi chỉ trả 300.000 đồng thôi vì với tôi nó chẳng có giá trị gì”!

Nhưng “cây cảnh” chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Ông Khiêm còn nói chính xác ở một khía cạnh khác “nói, hô tự nguyện thì chỉ hình thức thôi”.

Cái gốc là ta còn nằm ở nền kinh tế tiền mặt. Hôm trước bảo đề xuất cấm mua xe hơi, nhà đất bằng tiền mặt; hôm sau, vì giới địa ốc “đi nước ngoài chữa bệnh” nhiều quá, vì ngành ôtô sắp mất phanh vì ế, lại cho phép được mua bán bằng tiền mặt.

Không thể chữa bệnh hình thức bằng nền kinh tế "bao tải tiền". Điều đó là rất rõ ràng!

cucpth

Theo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên