MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kêu trời vì phí... kẹt cảng

03-08-2014 - 19:23 PM | Xã hội

Lấy lý do ùn ứ hàng hóa tại cảng, nhiều hãng tàu vừa đồng loạt áp dụng phí kẹt cảng (PCS) ở một số cảng tại TP.HCM, bất chấp sự phản ứng mạnh từ phía các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng loạt loại phí đè nặng lên vai các doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn. Và theo văn bản "kêu cứu" mới đây của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tình trạng loạn phí đang gây rất nhiều khốn đốn cho doanh nghiệp.

"Gãy lưng rồi chứ còn oằn lưng gì nữa"

Sau hơn mười ngày đứng ngồi không yên khi hàng về đến cảng Cát Lái nhưng chưa thể đưa về kho bãi của công ty trong khi khách hàng liên tục réo, ngày 28-7 bà Vũ Thanh Hiền - giám đốc Công ty Lập Đức (Q.Bình Tân, TP.HCM) - choáng váng khi nhận được hóa đơn thanh toán để làm thủ tục lấy hàng từ Hãng tàu Wan Hai. Theo đó, trong hóa đơn xuất hiện loại phí mới toanh mang tên "thu hộ phí PCS", với mỗi container hàng đội thêm hơn 2 triệu đồng tiền phí so với thường lệ.

Liên lạc với đại diện hãng tàu để "làm cho ra lẽ", bà Hiền được giải thích rằng đây là loại phí... kẹt cảng mới áp dụng. "Không thể trì hoãn nên tôi phải bỏ hơn 12 triệu đồng để lấy sáu container hàng ra. Bức xúc nhất là việc chúng tôi cũng không biết phải gánh loại phí "trên trời rơi xuống" này đến bao giờ. Hỏi hãng tàu họ cũng chỉ ậm ờ cho biết có thể 3-4 tháng tới mới ngưng thu phí này" - bà Hiền nói.

Đại diện Công ty Hào Thành (chuyên nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm hạt nhựa) cũng cho biết với riêng loại phí kẹt cảng này, lô hàng 73 container hạt nhựa về cảng cuối tháng 7-2014 khiến công ty phải móc túi thêm hơn 100 triệu đồng. "Doanh nghiệp ngày càng khốn đốn khi đầu ra sản phẩm gặp khó. Để có vốn nhập hàng doanh nghiệp phải xoay xở khắp nơi. Nhập vài container hàng thì không sao, chứ hàng chục container như tụi tôi thì việc nhanh chóng giải phóng hàng tại cảng cũng khó khăn bởi mức phí đột ngột tăng sốc" - vị này bức xúc.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu cũng bức xúc cho rằng bản thân các doanh nghiệp đã khốn đốn do hàng ùn ứ tại cảng, vừa vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh vừa bị khách hàng phản ứng. Do đó, việc phải gánh thêm loại phí lớn với lý do kẹt cảng là không tính đến quyền lợi của doanh nghiệp, thậm chí đẩy khó thêm cho doanh nghiệp. "Chúng tôi gánh gãy lưng rồi chứ không còn là oằn lưng nữa" - vị này bức xúc.

Phí chồng thêm phí

VASEP vừa có công văn gửi đến Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan... yêu cầu xem xét chuyện hàng loạt phụ phí từ hãng tàu, cảng phát sinh trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho các doanh nghiệp. Theo đó, hàng chục phụ phí các loại đang đổ lên vai doanh nghiệp như phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh), phí tắc nghẽn cảng (PCS)...

Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí khác như phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container... Trong đó, theo VASEP, nhiều loại phí bất hợp lý từ các hãng tàu như phí cân đối container (CIC) bởi phí này lẽ ra phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước xuất khẩu và thu vào những thời điểm có sự mất cân đối lượng container giữa hai đầu, nhưng hiện nay các hãng tàu vẫn thu từ các doanh nghiệp VN để bù lỗ cho họ.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, bức xúc cho rằng nhiều hãng tàu không thông báo về các loại phí mới hoặc thông báo trong thời gian rất ngắn khiến doanh nghiệp trong nước ngỡ ngàng, trở tay không kịp.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thúy Vân - phó phòng marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp nhập khẩu chưa lưu tâm nhiều đến các điều khoản hợp đồng khi đàm phán với hãng tàu và đối tác. Do đó, khi các hãng tàu tăng hoặc bổ sung mức phí mới, doanh nghiệp nhập khẩu phải trả, thay vì đối tác cung cấp hàng hóa.

"Khi nhập khẩu, chúng ta được quyền đàm phán các điều khoản hợp đồng về vận tải, giao nhận theo hướng có lợi nhất, phụ thuộc vào kỹ năng đàm phán trong giao dịch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp VN thuộc diện vừa và nhỏ nên kỹ năng này còn yếu, sợ rủi ro. Bộ Công thương, Bộ Tài chính phải thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng này cho doanh nghiệp" - bà Thúy Vân khuyến cáo.

Trước đó ngày 31-7, tại buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn về tình trạng ùn ứ hàng tại cảng Cát Lái (Q.2), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định dù việc ùn tắc cơ bản đã được giải quyết, nhưng phía Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng như Bộ GTVT phải có các biện pháp đồng bộ để không tái diễn tình trạng ùn ứ, gây ảnh hưởng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về chuyện thu phí tắc nghẽn cảng của các hãng tàu, ông Thăng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, thỏa thuận với các hãng tàu. Trong ngày 5-8, theo ông Thăng, Bộ GTVT sẽ tổ chức buổi họp trực tuyến với các doanh nghiệp cảng, hãng tàu để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bên.

Từ ngày 1-8, theo thông báo của các hãng tàu, hàng hóa nhập về một số cảng tại TP.HCM sẽ bị thu phí kẹt cảng, với lý do nhằm bù đắp chi phí hoạt động cao trong thời gian tắc cảng. Trước đó, từ ngày 28-7, Hãng tàu Wan Hai tại VN đã chính thức thu phí tắc nghẽn cảng (PCS) với mức 50-100 USD/container 20-40 feet đối với hàng hóa nhập về cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM).

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên