MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó hiểu Bộ GTVT nói ngược báo cáo Chính phủ

08-12-2013 - 07:36 AM | Xã hội

Ngay sau khi Thủ tướng chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội và tự tin đưa ra con số lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất cho đến nay

Thì Thứ trưởng Bộ GTVT đã chỉ rõ lí do phải tăng mức thu phí đường bộ gấp đôi là do trượt giá.

Ngày 5/12, sau khi đại diện các Hiệp hội DN vận tải ô tô Việt Nam, Hà Nội lên tiếng phân tích và phản ứng chuyện "phí chồng phí" khi Thông tư 159 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ ra đời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã lên tiếng khẳng định không có chuyện phí chồng phí.

Ông Trường chỉ rõ: "Hiện nay có ba loại phí để thu, một là phí của Quỹ bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, hai là phí BOT cho các tuyến đường cao tốc bình thường theo Thông tư 90, ba là phí BOT trên đường cao tốc, do DN tự quyết định mức giá, họ vừa thu hút được dân, vừa có thời gian hoàn vốn".

Bên cạnh đó, trước những thắc mắc của DN vận tải về mức tăng giá phí quá cao, ông Trường nói: "Việc tăng phí này lên thực chất mà nói nó đáp ứng, cân đối được mức giá thời điểm hiện nay và mức đưa vào đầu tư BOT. Nếu dùng mức cũ thì không thể hoàn vốn được".

Thế nhưng, để đưa ra mức giá này, theo ông Trường nếu thu phí theo Thông tư 90 được quy định từ năm 2002, thì mức thu bị lạc hậu so với thu nhập cũng như tình trạng trượt giá đang diễn ra. Như vậy đồng nghĩa với việc Bộ GTVT đang minh chứng cho sự lạm phát hiện nay.

Trong khi đó, báo cáo Quốc hội - kỳ họp thứ 6, buổi chất vấn chiều 21/11 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ khẳng định, lạm phát đã về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
"Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,49%, tháng 11 tăng 0,4%, 11 tháng tăng 5,54% và ước cả năm tăng 6,2 - 6,3%, đây là mức tăng thấp trong 10 năm qua", báo cáo nêu rõ.
Báo cáo khẳng định: "Mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi. Đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, trả được nợ và có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng".

Trước đó, ngày 23/9, tại buổi Hội thảo Khoa học "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược", nói về số liệu thống kê của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn: "Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin".

Không chỉ hoài nghi số liệu thống kê, ông cũng nêu lý do khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm. "Tôi thấy bức tranh kinh tế rất lổm nhổm, không đi vào cuộc sống. Có những nguyên nhân cần phân tích. Có thể do chúng ta chủ quan duy ý chí đề ra những cái không tưởng. Thứ hai là đề ra nhưng không làm hoặc làm ngược lại, thứ ba là tình hình đảo lộn hoặc do tình hình thực tế biến động không lường được", ông cho hay.

Theo Độc Lưu

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên