Không có khu vực tư nhân năng động, quá trình công nghiệp hóa của VN sẽ chậm
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chính sách phát triển công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.
Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035 thực trạng và định hướng”, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 20-6, tại Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh :
“Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”.
Hội thảo đã thu hút gần 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các viện, trường, đơn vị nghiên cứu và các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. Các diễn giả trong nước và quốc tế đã tập trung làm rõ, hệ thống hóa lý luận về chính sách công nghiệp, chính sách phát triển công nghiệp, kinh nghiệm quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc...) và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, phân tích, đánh giá chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam trong quá trình CNH - HĐH đất nước; những yêu cầu đặt ra, công cụ, giải pháp đối với chính sách phát triển công nghiệp ở nước ta trong quá trình CNH - HĐH và điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan đồng tổ chức, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2016-2020. Công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam đã sắp tròn 30 năm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt và ghi nhận. Việt Nam đã bước ra khỏi tình trạng nghèo đói ở thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, gia nhập Nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng để đưa ra được chính sách đúng, cần nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức để có các quyết sách phù hợp và khôn ngoan nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Muốn nâng cao năng lực sáng tạo của đất nước, cần hết sức quan tâm đến chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việt Nam có ra khỏi được bẫy thu nhập trung bình hay không chính là nhờ khả năng công nghệ nội sinh, khả năng sáng tạo và trình độ khoa học công nghệ của ngành công nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chính sách phát triển công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, thường được hiểu là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế-xã hội nhằm giải quyết các vấn đề của công nghiệp, thực hiện các mục tiêu công nghiệp theo định hướng tổng thể của đất nước.
Ông Huệ cho rằng, trong 5 năm tới, bên cạnh mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam cần xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Ghi nhận về sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng cần có sự chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, khắc phục những hạn chế trong điều phối, thực hiện chính sách công nghiệp kiểu cũ theo chiều dọc mang tính chất tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, tập trung vào can thiệp trực tiếp, ưu đãi trong tiếp cận thị trường, bảo hộ một số ngành mục tiêu.
Theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ phải có chính sách công nghiệp tốt, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển hóa về cơ cấu ngành, có cam kết thực sự cho khu vực tư nhân trong nước nổi lên, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm với những chính sách can thiệp gián tiếp theo chiều ngang. Không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ chậm, điều này không thể trông vào khu vực nước ngoài. Ngân hàng Thế giới sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình này.