MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký ức về Tết Xưa ở Hà Nội

16-02-2015 - 09:15 AM | Xã hội

Với tôi, người ở độ tuổi sắp trở thành “xưa nay hiếm” theo cách nghĩ của người xưa, đã thấy nhiều đổi thay trong một tập tục được lưu truyền cả ngàn năm, tính từ khi dân ta sử dụng âm lịch.

Ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội
8 bài viết

Khi còn nhỏ, Hà Nội nơi tôi sống còn là một thành phố “tạm chiếm”, những ý niệm sâu sắc nhất về ngày Tết vẫn là những sinh hoạt quanh Hồ Hoàn Kiếm. Không có những trang trí rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ hay đèn đóm như bây giờ. Tất cả chỉ là không khí trang nghiêm ở những nơi thờ tự như đền Ngọc Sơn, đền Hàng Trống, Chùa Bà Đá hay “xóm” đình - đền - chùa của làng Vũ Thạch xưa có hai cửa thông ra phố Hàng Khay và đường Gia Long (nay là Bà Triệu)... tạo nên không khí Tết ngoài đường phố.

Duy chỉ có khúc đường từ quảng trường cuối Hàng Đào (nay mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục) ăn ra đường Lê Thái Tổ từ khu vực Nhà Thuỷ Tạ đến Nhà Khai Trí Tiến Đức (nay là Nhà hát Ca nhạc nhẹ) là ồn ào của một khu hội chợ mà sức thu hút mạnh nhất với bọn trẻ chúng tôi là một chú voi đung đưa cái thân và vung vẩy cái vòi để nhận những đẵn mía của khách đến mua cho voi ăn thay vì mua vé vào cửa.

Ngoài tiếng pháo nổ giòn ngoài đường phố, tất cả không khí Tết tụ lại trong gia đình sum họp quanh mâm cỗ bên ban thờ gia tiên.

Có bạn trẻ hỏi vậy thì cái tục cứ tối ba mươi là đổ ra đường tụ hội quanh Hồ Gươm để đón giao thừa rồi mới về nhà “xông đất” thì có tự bao giờ? Theo hiểu biết của tôi thì nó cũng chỉ mới có kể từ sau ngày Hà Nội được chế độ mới tiếp quản sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954).

Những mùa Xuân Thủ đô trong lịch sử

Mùa Xuân Giáp Ngọ (1954), có một ấn tượng làm người dân Thủ đô xôn xao là tấm bìa một số báo xuân xuất bản ở Hà Nội. Sau này khi lớn lên, làm nghề sử tôi có dịp được đọc lại số báo này, còn hồi đó tôi chỉ biết ngồi hóng chuyện nghe người lớn bình phẩm mà thôi. Trên tấm bìa có một bức tranh vẽ màu rất đẹp với cảnh Hoàng đế Quang Trung thay vì cưỡi voi thì ở đây lại ngồi trên lưng ngựa đang thần tốc cùng các chiến binh Tây Sơn phi vào thành Thăng Long được biểu trưng bằng Cột cờ thành Hà Nội.

Người ta dễ dàng nhận ra cái gì đó phi lịch sử. Hoàng đế không cưỡi voi mà cưỡi ngựa thì có thể giải thích cho hợp với năm “Ngọ”, nhưng cái Cột cờ thành Hà Nội thì được xây vào đầu thế kỷ XIX mà chiến dịch thần tốc đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long của Quang Trung - Nguyễn Huệ thì diễn ra từ Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) tức cuối thế kỷ XVIII.

Người dân Hà Nội xôn xao vì coi bìa số báo xuân này như điềm báo trước một sự kiện sẽ diễn ra vào mùa Thu năm đó. Thời điểm Tết năm Giáp Ngọ, chiến trận trên phủ Điện Biên xa xôi mới nhen nhúm những ý đồ của cả hai bên khi chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 mới khởi động. Và đúng như lời tiên báo, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng sau khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ thất thủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết.

Câu chuyện bức tranh trên bìa báo xuân cũng gợi lại cho người đọc về một tập quán mới được xác lập tại Thủ đô cách đó không lâu. Đó là Ngày giỗ Trận Đống Đa. Chiến dịch thần tốc tiêu diệt quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) theo truyền thuyết là xác giặc Thanh được gom vào 13 cái gò phủ đất, sau này các gò khác bị tiêu hoặc phá hết chỉ còn cái gò ở góc có miếu thờ tướng Tàu là Sầm Nghi Đống đã thắt cổ chết trên gốc đa là được giữ lại.

Về sau này, một số vị có danh vọng ở Hà Nội thời Pháp thuộc xây thêm một ngôi đền mang tên Trung Liệt để thờ vọng một số nhân vật xứng danh với tên gọi đó, nhưng vì có cả nhân vật chưa được người đời ngưỡng vọng nên ít nhiều có lời ra tiếng vào trong dân gian.

Do vậy, cứ đến ngày mùng 5 Tết, quanh khu Gò Đống Đa này có nhiều người đến hương khói, nhưng chủ yếu là người Hoa sống ở Hà Nội đến thắp hương cho những đồng bang của mình đã bỏ xác tại đây. Nói cách khác là “Giỗ trận” vào thời kỳ này là giỗ oan hồn những kẻ đã chết trận khi sang chiếm đóng nước ta. Sở dĩ như vậy vì sau chiến thắng Đống Đa, nhà Tây Sơn trở thành một triều đại trên toàn cõi nước ta nhưng tồn tại chẳng được bao lâu thì sau ngày vị Hoàng đế - Anh hùng dân tộc Quang Trung đột ngột băng hà, nhà Tây Sơn quay ra tranh giành quyền lực trong nội bộ nên để cho Chúa Nguyễn quay lại phục thù khiến triều đình này bị sụp đổ và nhà Nguyễn lên ngôi.

Nhà Nguyễn coi Nhà Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung là cựu thù không đội trời chung nên trong suốt thời gian cầm quyền, kể cả thời bị Pháp chiếm làm thuộc địa vẫn không thể chấp nhận việc tôn thờ hay tôn vinh sự nghiệp kẻ thù của mình. Vì thế cho đến trước khi triều Nguyễn cáo chung (tháng 8/1945), việc thờ phụng có liên quan đến triều Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung là điều cấm kỵ.

Thời điểm đó nhân dân muốn bày tỏ lòng yêu nước và tôn vinh các bậc tiên liệt có công với nước gắn với triều Tây Sơn thì thường phải kín đáo đến lễ tại ngôi chùa Kim Sơn, bên đường Kim Mã ngày nay, từng là nơi quy tập những liệt sĩ trong đạo quân Tây Sơn hy sinh trong trận chiến giải phóng Thăng Long năm xưa.

Nhưng đến mùa Xuân năm Bính Tuất 1946, lần đầu tiên dân chúng ta được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hô hào đến gò Đống Đa để làm lễ kỷ niệm 157 năm Chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Những hình ảnh về sự kiện đó mãi đến vài năm gần đây chúng ta mới tìm thấy trên những tấm ảnh tư liệu từ Pháp gửi về.

Hình ảnh Lễ Kỷ niệm 157 năm Chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ mùa Xuân 1946

Tập quán đón giao thừa tại Bờ Hồ

Còn tập quán dân chúng đêm cuối năm ra Bờ Hồ đón giao thừa thì chỉ có sau ngày giải phóng Thủ đô và gắn với một hiện tượng mới xuất hiện. Đó là sự có mặt của nhiều cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống, công tác và học tập.

Vào ngày Tết, theo tập quán cũ của người Hà Nội, nếu có kéo nhau ra Bờ Hồ rồi đến gần giao thừa thì ai về nhà nấy, chỉ những ai “hợp tuổi” hay “nhẹ vía” mới tìm đến một ngôi chùa hay ngôi đền nào đó gần nhất hoặc thiêng nhất thắp hương cúng trời đất, hái đâu đó một cảnh cây nhỏ làm lộc để mau chóng trở về nhà cho kịp đón phút giao thừa, để trở thành người xông đất mang lại sự tốt lành suốt năm mới cho gia đình mình.

Vì vậy, hồi đó chỉ thấy những đồng bào miền Nam sống xa nhà kéo ra Bờ Hồ hóng đón giao thừa và sau này thì đến sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thống Nhất được thiết lập tại trụ sở cũ của Hội Khai Trí Tiến Đức và hồi đầu cách mạng mới thành công là trụ sở của Uỷ ban Thường trực Quốc hội.

Gặp hoàn cảnh ấy, với tình nghĩa Bắc Nam một nhà, nhiều gia đình ở những khu phổ cổ gần đó được vận động ra thăm hỏi bà con miền Nam, tuy theo cổ tục không mấy ai đón người lạ về nhà mình trước giao thừa nhưng nhiều người cũng đến chia vui rồi lưu lại để nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết bao giờ cũng được phát ngay sau tiếng chuông và tiếng pháo báo hiệu đã bước sang năm mới.

Hồi đó, đài truyền hình chưa có, ngay cả đài thu thanh chưa phải là phổ biến trong các gia đình, mà quanh Hồ Gươm lại có nhiều chiếc loa phóng thanh khổ lớn treo trên các cành cây. Ngày Chủ nhật người dân hay tập trung dưới loa để theo dõi tường thuật bóng đá. Còn ngày Tết thì phút quan trọng nhất là nghe lời Chúc đầu Xuân của Bác Hồ. Thói quen rồi trở thành tập quán kéo nhau ra Bờ Hồ đón giao thừa ngày càng trở nên phổ biến kể từ đó (!?).

Và thời khắc gây ấn tượng hơn cả của người dân Thủ đô chính là giao thừa mùa Xuân năm Quý Sửu 1973. Hà Nội vừa trải qua 18 ngày đêm ngút trời khói lửa của trận tập kích bằng không quân của Mỹ sử dụng nhiều pháo đài bay B52. Người dân Hà Nội cũng vừa được chứng kiến trận chiến chống trả quyết liệt của quân và dân thủ đô trên bầu trời quê hương mình. Và chính trận thắng Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris chấm dứt sự can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cuộc đình chiến được thực hiện.

Vì vậy đến cuối cùng của năm 1972 máu lửa để bước sang một thời kỳ hoà bình ở miền Bắc đã khiến cho đêm giao thừa năm Quý Sửu trở nên một đêm hội của Hoà bình và Hy vọng. Đêm hôm ấy có 2 ấn tượng đối với những người dân có mặt bên Hồ Gươm, ngoài tiếng pháo đón xuân theo tập quán khi đó còn duy trì thì trên bầu trời Thủ đô là những loạt pháo hoa mang đến ánh sáng hoà bình gợi lại những ánh lửa chiến tranh sáng rực trên bầu trời của bom thả xuống và đạn cùng tên lửa bắn lên mới cách đó không lâu. Và có lẽ đấy cũng là sự khởi đầu cho việc bắn pháo hoa vào đêm giao thừa vì trước đó pháo hoa chỉ dành cho ngày Quốc khánh hàng năm trong thời bình mà thôi.

Và trong đêm hôm đó, từ các loa phóng thanh vang lên bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” nhạc của Huy Du và lời của Xuân Sách mang niềm tin và tự hào “Việt Nam, Việt Nam qua từng bước gian nan lớn lên rồi đẹp những mùa Xuân” âm vang suốt trong những ngày Tết Hoà bình đầu tiên để hướng tới Mùa Xuân đầu tiên đón Tết trong Hoà bình và Thống nhất trên cả nước diễn ra chỉ sau đó 3 năm - Mùa Xuân năm Bính Thìn (1976)...

Dương Trung Quốc

PV

Theo chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên