MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm cấp Phó: Do cảm tình, nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau?

14-06-2015 - 07:15 AM | Xã hội

Theo ông Lê Quang Thưởng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chức Phó như hiện nay là do cảm tình, nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau.

Do cảm tình, nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đưa ra bàn luận, lấy ý kiến. Dự thảo Luật xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6; số lượng cấp phó của Tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.

Câu chuyện chức Phó vốn không còn mới, nhưng vẫn “nóng” trên các bàn thảo luận của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm nhiều chức Phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội. Vì vậy cần có quy định “cứng”, nếu không sẽ “nhờn” luật.

Trăn trở về vấn đề này, ông Lê Quang Thưởng-Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, hiện nay có quá nhiều chức Phó dẫn đến bộ máy cồng kềnh, hiệu quả công việc chưa cao.

Lê Quang Thưởng-Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Ông cho rằng: “Sinh ra nhiều chức Phó là do hiệu quả công tác kém, mới cần phải tìm thêm người để làm việc. Họ xài "tiền chùa" vô tội vạ vì do ngân sách nhà nước chi trả. Thật trái ngược với chế độ tư bản, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, nơi mà khi muốn sử dụng người họ đều phải tính toán. Vì “đẻ” thêm người, họ phải chi lương, nên các cơ quan của họ rất ít Phó”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Thưởng, ngoài việc lấy lý do luân chuyển cán bộ, hay đề bạt thêm một Phó để “gối” vào vị trí một Phó chuẩn bị nghỉ, còn cả nguyên nhân một số cơ quan tổ chức có quá nhiều chức Phó không thực sự xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là bổ nhiệm vì cảm tình, nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau.

Ông Thưởng viện dẫn ví dụ, thường 1 Bộ có từ 3-4 Thứ trưởng, mỗi Thứ trưởng phụ trách đầu mối các Vụ, Cục. Nếu đề bạt 5-7 Thứ trưởng, trong khi công việc ở các Vụ, Cục chỉ có từng đó, thì hóa ra 1 Thứ trưởng phụ trách một vài đơn vị, một vài công việc thì lãng phí. Vì một Thứ trưởng phải phụ trách một nhóm đơn vị, một nhóm công việc thì mới có hiệu quả”.

Góp ý vào Dự thảo luật, ông Thưởng cho biết: “Hiện nay, tôi nghe nói có những Bộ 8-9 Phó thì quá nhiều. Vì vậy, nên quy định phổ biến chức Phó từ 2-3 người, còn những Bộ lớn nhiều công việc như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ban tổ chức Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ cần 5-6 người là đủ”.

Muốn giảm Phó phải nâng cao trách nhiệm của Trưởng

Theo một thống kê mới nhất, hiện cả nước có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ với 18 Bộ trưởng, 4 chức vụ ngang Bộ trưởng và 118 Thứ trưởng và chức vụ ngang Thứ trưởng. Mà vấn đề đâu chỉ dừng ở số cấp Phó nhiều, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra: “Đẻ ra một ông cấp Phó là sẽ có một dây đi kèm”.

Do vậy, hy vọng rằng, giảm được cấp Phó sẽ góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, tăng được trách nhiệm của người đứng đầu.

Đúng như đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã nhận định: “Muốn giảm cấp Phó phải bớt cơ chế tập thể, liên ngành bởi hiện nay cái gì cũng xin ý kiến làm sao không họp được. Ngoài ra cơ chế cũng biến cấp Phó thành mấy cấp hành chính, ông Phó phụ trách mấy Vụ thì coi như cấp trên các Vụ. Bỏ hai điều này thì mới giảm cấp Phó được”.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng, muốn giảm Phó phải nâng trách nhiệm quản lý Nhà nước của Trưởng. Như ở các nước, chức Phó chỉ là người giúp việc cho Trưởng nên họ không cần nhiều Phó, mà họ lựa chọn những người có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm làm Phó.

“Hoạt động của bộ máy cũng như người đứng đầu phải nghiêm. Người nào ho he “đẻ” thêm chức vụ thì phải thổi còi, mà làm không xin phép, không báo cáo thì phải kỷ luật thì mới đi vào trật tự. Nếu là lãnh đạo cấp cao mà buông, không kiểm tra thì làm sao cấp dưới nghe.

Làm sao phân công, phân nhiệm rõ ràng và cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân bên cạnh trách nhiệm tập thể. Làm thế nào, cơ chế, chính sách quy định Thủ trưởng phải là người chịu trách nhiệm, nặng quá thì mới xẻ việc cho cấp Phó. Cấp Phó làm không được thì cấp Trưởng phải làm và cấp Trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Làm sao cho cơ chế quy định rõ được như vậy thì mới giảm được cấp Phó”, ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Nhiều người hy vọng rằng, cùng với quyết tâm và Dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thông qua sẽ là một cuộc sắp xếp lại nhân sự cấp Trưởng, Phó từ các cơ quan nhà nước, cùng với thay đổi số lượng sẽ là thay đổi cơ chế trách nhiệm, để mang lại một bộ máy hiệu quả, gọn nhẹ hơn.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên