MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lát đá hoa cương vỉa hè nghìn tỷ: Lợi bất cập hại

29-03-2016 - 07:20 AM | Xã hội

Nhiều chuyên gia cảnh báo trong lúc bầu sữa ngân sách cạn kiệt, nhiều công trình cấp bách phục vụ dân sinh và nhu cầu phát triển đang đói vốn, phải “đắp chiếu”, thi công cầm chừng, việc dành 1.000 tỷ đồng chỉnh trang đô thị bằng cách lát đá hoa cương vỉa hè các tuyến đường là lãng phí và để lại nhiều tác hại khó lường.

Như chúng tôi đã thông tin, lãnh đạo UBND quận 1 đã chấp thuận chủ trương và sắp tới sẽ đề xuất UBND TPHCM cho phép lát đá hoa cương (granit), vỉa hè và đồng bộ hóa hạ tầng trên 130 tuyến đường.

Thận trọng!

Theo lãnh đạo UBND quận 1, trước mắt, quận 1 đề xuất lát đá vỉa hè 80 tuyến đường khu trung tâm và dự kiến làm thí điểm ngay trong quý II/2016 5 tuyến đường, gồm: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Kinh phí thực hiện trước mắt một số doanh nghiệp cam kết sẽ ứng trước, UBND quận sẽ trả chậm (lãi suất 0%) trong 3-5 năm với tổng kinh phí ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nếu được UBND thành phố đồng ý chủ trương, quận 1 sẽ làm việc với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để ngầm hóa hạ tầng như điện, nước, viễn thông... để tránh việc đào xới sau khi đã hoàn thành vỉa hè.

Trao đổi với chúng tôi chiều 28/3, một số chuyên gia giao thông cho biết nhiều địa phương đã từng cho lát đá hoa cương trên vỉa hè nhiều tuyến đường và để lại nhiều bài học đắt giá.

“TPHCM đang tính xây dựng khu thương mại ngầm dưới đường Nguyễn Huệ. Làm phố ngầm như vậy thì chắc chắn sau này phải đào xới vỉa hè để kết nối các tòa nhà với phố mua sắm ngầm”.

Ông Lâm Thiếu Quân, Đại biểu HĐND TPHCM

Đơn cử như thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) để chỉnh trang đô thị, thu hút du khách đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng lát đá hoa cương hàng loạt vỉa hè, công viên khu vực Bãi Trước kéo dài đến tận Bãi Dứa. Đầu năm 2013, địa phương này tiếp tục đề xuất đầu tư gần 230 tỷ đồng lát đá hoa cương vỉa hè đường Thùy Vân (đoạn từ đường Phan Chu Trinh đến đường Nguyễn An Ninh), đường Trần Hưng Đạo (từ Hoàng Hoa Thám đến Lê Lợi),…

Vỉa hè tuy đẹp nhưng trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương và du khách mỗi khi mưa xuống. Cụ thể: Mặt đá hoa cương nhẵn bóng, rất trơn trượt mỗi khi mưa xuống nên nhiều du khách bị trượt chân té ngã, còn người dân địa phương thì không dám đi trên vỉa hè mà xuống lòng đường để khỏi té nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, TPHCM đã làm một số vỉa hè đá hoa cương như ở đường Trương Định và gần đây ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Thánh Tôn trước trụ sở UBND thành phố.

“Cần xem lại vì loại đá này trơn trượt, người đi đường rất dễ bị tai nạn. Nhiều nước cũng sử dụng đá hoa cương tại một số quảng trường nhưng là loại đá có độ nhám. Loại đá sử dụng tại đường Nguyễn Huệ và đường Lê Thánh Tôn, người đi đường rất khó chịu, độ nhám không đảm bảo. Thậm chí đi bộ trên lề còn sợ té. Phải nghiên cứu loại có hoa văn như thế nào, độ nhám ra sao… đưa vào lát ngay mà chưa nghiên cứu là vội vã quá” – TS Phạm Sanh nói.


Nhiều vỉa hè ở quận 1 mới làm 1-2 năm đang bị đề xuất đập bỏ để lát đá hoa cương.

Nhiều vỉa hè ở quận 1 mới làm 1-2 năm đang bị đề xuất đập bỏ để lát đá hoa cương.

Hậu quả khó lường

TS Phạm Sanh cho rằng hệ thống vỉa hè ở quận 1 có chất lượng tốt, nhiều tuyến đường mới cải tạo, thay mới nên nếu đập bỏ làm lại là rất lãng phí. Ngoài ra, lót đá hoa cương trên vỉa hè có hại nhiều hơn lợi ích mang lại. Cụ thể: Bến bãi đỗ xe TPHCM đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là tại quận 1, nhiều vỉa hè được trưng dụng làm bãi giữ xe.

Ngoài ra, xe buýt hiện đang phải sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường làm nơi dừng đỗ đón trả khách. Vì vậy, TPHCM chưa nên vội làm vỉa hè hoa cương. Đá hoa cương là vật liệu rất đắt, làm hoàn chỉnh rồi thì rất khó gỡ ra.

TS Phạm Sang phân tích: Quận 1 hiện nay vẫn còn bị ngập. Chợ Bến Thành nếu mưa lớn, gặp triều cường vẫn bị ngập nặng. Đá hoa cương là loại vật liệu không thấm nước, không hỗ trợ cho hệ thống cống rãnh. Trước đây, nhiều nhà khoa học đề nghị chọn các loại gạch cho nước thấm xuống để làm vỉa hè hoặc các thảm cỏ để nước ngấm xuống đất giúp thành phố bớt ngập.

Ngoài ra, quy hoạch TPHCM chưa ổn định. Hệ thống viễn thông còn đi ngầm, đi nổi. Trên thế giới không ai làm cả một quận trung tâm một kiểu vỉa hè vì sự đơn điệu, không có tính đa dạng. Sản phẩm đá hoa cương lại không phải là sản phẩm đặc thù của TPHCM. Nếu mua số lượng nhiều, phải đưa từ Bình Định vào, giá thành sẽ rất cao. TPHCM chỉ nên làm một số tuyến đường, không nên làm đại trà toàn bộ vỉa hè ở quận 1 bằng đá hoa cương.

“Xét về mặt thẩm mỹ, văn hoá thì đá hoa cương không có. Du khách đến với Việt Nam là vì tính đa dạng, nếu đơn điệu, chỗ nào cũng giống nhau thì dễ tạo cảm giác nhàm chán. Nếu làm vỉa hè đa dạng hơn, từ loại gạch nhẹ, bê tông nhẹ của các trường đại học nghiên cứu ra nhiều khi còn hay và độc đáo hơn. Vừa đẹp, vừa thoát nước, vừa trồng cây xanh được, lại là sản phẩm của địa phương, công nghệ mới không nung” – TS Phạm Sanh đề xuất.

Ông Sanh cảnh báo đá hoa cương có nhiều loại, đơn giá dao động rất lớn, TPHCM lại chưa có một nghiên cứu sâu về loại vật liệu cao cấp này. Cần một số lượng đá rất lớn, nếu chọn nhà thầu không đúng, sơ hở trong đấu thầu có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn.

“UBND quận 1 cho rằng DN hỗ trợ kinh phí. Không có DN nào làm từ thiện cả nghìn tỷ mà không kèm điều kiện gì. Cần phải sáng suốt xem xét. Hiện nay, nhiều quận huyện ở TPHCM còn rất nghèo, đường sá không có. Vì vậy, quận 1 không nên “chơi sang”. Mấy hôm nay theo dõi trên mạng, thấy 99% ý kiến là phản đối. Đây là một việc làm không hợp làm dân” – ông Sanh nói.

Theo đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân, lát đá hoa cương sẽ khiến nước không thấm xuống đất, cây xanh trồng xung quanh sẽ chết. Ngoài ra, việc quản lý hệ thống công trình ngầm của TPHCM còn chồng chéo, dẫn đến vỉa hè mới làm hoàn chỉnh phải đào lên. Hệ thống cấp thoát nước khu vực trung tâm TPHCM đã quá cũ, nhiều tuyến làm từ thời Pháp, nếu làm vỉa hè bằng đá hoa cương, sắp tới sẽ phải đào xới nham nhở.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên