MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo vỡ quỹ BHXH, lại muốn nâng tuổi hưu

18-04-2014 - 21:41 PM | Xã hội

Trình UB Thường vụ QH dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ngày 18/4, Bộ LĐ-TB-XH cho biết quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

“Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, năm 2007 chỉ chiếm 57,2%, 2008 con số này là 73,7%, 2011: 77%, 2012: 68,6%, ước năm 2013 76,6%”, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hải Chuyền nói.

Dự báo đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Bộ đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này, trong đó có việc “tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (bình quân nam 28 năm, nữ 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài”.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.

Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghịquy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi áp dụng với các nhóm đối tượng còn lại.

UB Các vấn đề xã hội QH đồng tình với lý luận “nâng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH”, nhưng cho rằng việc này chưa thể quyết định ngay mà phải nghiên cứu kỹ.

Câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu cũng đã được thảo luận rất nhiều khi sửa đổi bộ luật Lao động năm 2012 và lý do “nguy cơ vỡ quỹ BHXH” không phải lần đầu tiên được đưa ra. Ý kiến tại UB Thường vụ QH lần này cũng rất khác nhau.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc của các đối tượng đóng BHXH, và thấy “nam 62 nữ 60 không quá chênh lệch”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng Bộ LĐ-TB-XH trình như vậy hẳn là cũng đã nghiên cứu kỹ nên “nếu thấy chấp nhận được thì sửa luôn quy định này của bộ luật Lao động”.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN phản ứng: Cán bộ trong các ngành giáo dục, y tế và đặc biệt là lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều “kêu mệt”, đến 45-50 tuổi đã không làm việc được nữa mà bắt họ chờ đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu, có lẽ chỉ phù hợp với khu vực hành chính - sự nghiệp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nghĩ nâng tuổi nghỉ hưu lúc này chưa hợp tình hợp lý. “Đó chỉ là một cách, một con đường để giải quyết nguy cơ trên, còn nhiều cách, nhiều con đường khác”, ông Hùng nói.

Một trong những cách đó là khắc phục tình trạng “nợ BHXH”.Chính Bộ LĐ-TB-XH cũng nhận định: Tính tuân thủ các quy định về đóng BHXH còn thấp, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Ông Mai Đức Chính đưa con số cụ thể: Vừa rồi có 600 doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ BHXH là 11 ngàn tỷ đồng, hàng trăm nghìn người lao động bị thiệt hại.

“Luật phải làm rõ khi DN trích lương người lao động để đóng BHXH nghĩa là người lao động đã thực hiện nghĩa vụ này, còn DN không nộp cho BHXH là chuyện giữa DN và nhà nước, phải xử lý bằng pháp luật”, ông Chính nói.

Ông Phùng Quốc Hiển đồng tình: Cần cho BHXH một công cụ để thanh, kiểm tra và xử lý khi phát hiện sai phạm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh lại yêu cầu tăng trưởng quỹ BHXH một cách bền vững.

“Chỉ được đầu tư vào nơi an toàn, bảo tồn được vốn, chứ không được cho vay, vì đây đâu phải tiền của BHXH mà là tiền của người về hưu, BHXH đâu phải nhà kinh doanh mà tìm cách sinh lời”, ông Hùng cho rằng mua trái phiếu chính phủ là yên tâm nhất.

Theo Chung Hoàng

cucpth

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên