MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư có "bảo bối" giúp Dương Chí Dũng thoát án tử?

22-04-2014 - 08:28 AM | Xã hội

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng nói ông là luật sư đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài để thu thập chứng cứ trong một vụ án hình sự.

Những chứng cứ này có thể minh oan và giúp hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thoát án tử.

Hôm nay, 22.4. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản đối với bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm.

Trước phiên tòa, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Đình Triển, người bào chữa cho Dương Chí Dũng cho cho rằng ông đã thu thập được những bằng chứng quan trọng có thể làm thay đổi nội dung vụ án này.

Theo đó, luật sư Triển đã sang Singapore để gặp ông Goh Hoon Seow, người được cho là đã đưa hối lộ 1,6 triệu USD cho 4 bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines), Mai Văn Phúc ((nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó TGĐ Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).

Luật sư Triển nói ông Goh Hoon Seow đã tuyên thệ trước các cơ quan tư pháp của Singapore rằng trong quá trình mua ụ nổi 83M, ông này không hề liên lạc và bàn chuyện làm ăn với bị cáo Dũng và Phúc. Ông Goh chỉ làm việc với bị cáo Sơn và đặc biệt ông này có đầy đủ bằng chứng chứng minh việc chuyển 1,6 triệu USD cho Sơn là để hoàn tất các thủ tục pháp lý và kỹ thuật chứ không phải để đưa hối lộ.

Cạnh đó, ông Goh cũng cho biết thông tin về tài khoản để ông này chuyển về Việt Nam số tiền 1,6 triệu USD là do phía Nga chứ không phải do Trần Hải Sơn cung cấp.

Ngoài ra, theo luật sư Triển, ông Goh còn cung cấp những thông tin khác cho thấy bị cáo Dũng, Phúc hoàn toàn không liên quan đến việc nhận hối lộ và đang bị truy tố oan.

“Những bằng chứng này tôi thu thập theo đúng quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước ASEAN, có xác nhận của cơ quan tư pháp Singapore và lãnh sự quán Việt Nam tại đảo quốc này. Đây chính là chứng cứ mới, được thu thập đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật. Tôi sẽ trình lên HĐXX phiên tòa phúc thẩm và có thể nó sẽ làm thay đổi nội dung vụ án”, luật sư Triển cho hay.

Cũng theo luật sư này, gia đình bị cáo Dũng đã nộp 4,7 tỉ đồng, gia đình bị cáo Phúc đã nộp 3,5 tỉ đồng để khắc phục hậu qủa của vụ án. “Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng với tư cách là người đứng đầu Vinalines, bị cáo này phải có trách nhiệm bồi thường cho nhà nước khoản thiệt hại khi mua ụ nổi 83M chứ không phải nộp tiền để khắc phục hậu quả về tội tham ô. Hai bị cáo Dũng, Phúc vẫn kêu oan về tội tham ô”, luật sư Triển khẳng định.

Theo hồ sơ vụ án, 10 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì liên quan đến việc thông quan, nhập khẩu, sửa chữa, thanh toán hợp đồng ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước 336 tỉ đồng.

Về số tiền tham ô 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỉ đồng), cáo trạng nêu rõ, theo kết quả khảo sát của Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và Mai Văn Khang, giá ụ nổi 83M chỉ dưới 5 triệu USD. Thậm chí, công ty bán ụ nổi cho Vinalines chỉ mua lại “đống sắt vụn” này với giá 2,3 triệu USD. Tuy vậy, Dũng đã chấp nhận giá mua ụ là 9 triệu USD để ăn chia với các công ty môi giới và công ty bán tàu của nước ngoài.

Trong tổng số tiền tham ô 28 tỉ đồng, Dũng bị cáo buộc đã nhận 10 tỉ đồng, Phúc nhận 10 tỉ đồng, còn lại Sơn và Chiều chia nhau. Hai bị cáo Dũng, Phúc đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 4 đến 19 năm tù.

Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày.

Theo Thanh Lưu

cucpth

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên