MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một đại biểu cũng có thể đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nếu được Quốc hội chấp thuận

09-06-2014 - 08:48 AM | Xã hội

Về mặt pháp lý cần phải quy định cụ thể tạo cho đại biểu Quốc hội có một vị thế để hoạt động

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng tinh thần của việc sửa luật lần này phải lấy vị trí đại biểu Quốc hội là trung tâm, bởi đây là yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả của Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội. 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng luật phải quy định rõ hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội để mỗi cá nhân đại biểu có thể phát huy vị trí, vai trò của mình, từ đó mới tạo sức mạnh tổng hợp của cả Quốc hội.

PV: Ông từng nói đã có trường hợp đại biểu Quốc hội kiến nghị hay gửi đơn yêu cầu cung cấp thông tin tới các cơ quan nhưng không được trả lời, không có hồi âm. Trong Dự thảo luật sửa đổi lần này, địa vị pháp lý của một số cơ quan của Quốc hội cũng không được quy định rõ ràng như vậy dẫn đến địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội cũng mờ nhạt và hạn chế, thưa ông?Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Dương) cho rằng trong Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội còn mờ nhạt và hạn chế.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Hạt nhân tạo ra tổ chức của Quốc hội là đại biểu Quốc hội; chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng tùy thuộc vào chất lượng của đại biểu Quốc hội. Vì vậy việc đặt vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này chuyển trọng tâm hoạt động của Quốc hội sang trọng tâm hoạt động của đại biểu Quốc hội là hướng đi đúng.

Trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cao địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên trong Dự thảo luật sửa đổi chưa phản ánh được tinh thần đó. Trên thế giới, đại biểu Quốc hội thực chất là chính khách, chính khách đó phát huy được sứ mệnh của mình ra sao còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, nhưng về mặt pháp lý cần phải quy định cụ thể, tạo cho đại biểu Quốc hội có một vị thế để hoạt động. 

Đại biểu Quốc hội sẽ phát huy vị thế của mình khi tham gia vào hoạt động chung với tư cách là thành viên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tư cách là đại biểu Quốc hội, đại diện cho hàng trăm nghìn cử tri khu vực bầu cử. Đại biểu Quốc hội phải có những quyền năng nhất định đó là quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin.

Trong trường hợp các cơ quan và người đứng đầu cơ quan không cung cấp thông tin thì phải có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, cũng phải có chế tài đảm bảo cho đại biểu Quốc hội có thể sử dụng những công cụ để buộc các cơ quan phải cung cấp thông tin. Trong trường hợp phát hiện sai phạm đã đủ các yếu tố cấu thành, đại biểu Quốc hội cũng phải có quyền, không chỉ thuần túy là kiến nghị. Phải quy định rạch ròi đại biểu Quốc hội có quyền đình chỉ hoặc yêu cầu đình chỉ dừng lại.

PV: Trong Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng có đề cập tới vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, một công cụ cho phép đại biểu Quốc hội sử dụng quyền hạn của mình chấm điểm cho các cơ quan dân cử. Nhưng trong Dự thảo Luật quy định phải có 20% đại biểu Quốc hội đồng ý thì mới được bỏ phiếu tín nhiệm, như vậy có phải là một sự hạn chế quyền hạn của đại biểu hay không, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) lần này về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh nào đó chỉ được thực hiện khi có ít nhất 20% đại biểu Quốc hội đề nghị. Qua thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy quy định này rất khó vận hành bởi không thể tập trung một lúc đủ 20% ý chí của đại biểu Quốc hội, còn nếu sử dụng đến việc vận động hành lang là trái luật.

Theo tôi, nên quy định cụ thể hơn bởi một đại biểu Quốc hội cũng có quyền trình dự án luật, việc trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng có thể xem như quyền trình dự án luật, vấn đề là có được sự chấp nhận của Quốc hội hay không. Khi Quốc hội chấp nhận, lúc đó nghiễm nhiên trở thành ý chí của Quốc hội, chứ không nên quy định phải có ít nhất 20% số đại biểu Quốc hội đồng ý. Có như vậy mới phản ánh được tính khả thi của quy định này.

PV:Vậy quy định bỏ phiếu tín nhiệm theo ông nên thực hiện theo định kỳ hay khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội mới tiến hành?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Hiện nay UBTVQH đang trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ.

Theo tôi việc đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó không nhất thiết theo định kỳ. Vấn đề là khi đại biểu Quốc hội có ý kiến trình Quốc hội, Quốc hội thấy đúng thì chấp nhận.

PV: Ý ông là trong các kỳ họp, đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó thì Quốc hội sẽ xem xét để bỏ phiếu tín nhiệm?

Đại biểu Lê Thanh Vân:Đúng thế, theo tôi hướng trọng tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội là hướng trọng tâm vào đại biểu Quốc hội. Tất cả những đề xuất của đại biểu Quốc hội đều phải được Quốc hội xem xét quyết định cho dù đó là sáng kiến pháp luật, một giải pháp nào đó, kể cả đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm…

Khi đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó, sẽ phải qua 2 bước: Lấy ý kiến Quốc hội có chấp nhận đề xuất đó hay không, sau đó mới đến thủ tục bỏ phiếu.

PV: Trong trường hợp một cá nhân nào đó không đạt được mức độ tín nhiệm cần thiết thì Quốc hội có quyền bãi miễn không?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Hiện nay, theo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ, một người nào đó không đạt được chỉ số tín nhiệm cần thiết của Quốc hội lúc đó sẽ đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tục đó đã được quy định trong Nghị quyết 35 của Quốc hội. Còn không theo định kỳ, khi đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó và được Quốc hội chấp nhận thì cũng áp dụng theo trình tự trong Nghị quyết 35.

PV: Xin cảm ơn ông.

>>> Nên từ chức khi tín nhiệm thấp

Theo Thanh Hà

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên