MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua tin, hay tạo lòng tin ?

29-06-2014 - 09:59 AM | Xã hội

Mua một cái tin chống tham nhũng có thể tới 10 triệu đồng, nhưng tạo được niềm tin cho người dân vào công cuộc chống tham nhũng thì không thể chỉ tiền muôn bạc vạn.

Dường như nhiều người không bất ngờ khi ngay trên nghị trường tranh luận của Quốc hội đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã đặt thẳng vấn đề với người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ: “Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát hiện tham nhũng nhưng tại sao tình hình tham nhũng ngày càng tăng?”.

Ông nghị Thuyền nói lên được bức xúc của đông đảo nhân dân, bởi thực tế cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng càng ngày càng phức tạp, chưa biết thắng bại thế nào.

Đã suốt bao năm, cả nước lại hành quân ra trận, nhưng không phải chống quân ngoại xâm mà với giặc tham nhũng. Trên nhiều diễn đàn, không ít vị lãnh đạo đất nước đã phải thừa nhận “tham nhũng đang là quốc nạn”. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trước hết là ngăn chặn tham nhũng, đẩy lùi từng bước, tiến tới làm trong sạch bộ máy, để tham nhũng không còn đất sống. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương đều có thể nêu ra kế sách riêng trong việc phòng chống, miễn sao hiệu quả.

Vì vậy, việc Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân nếu phát hiện thông tin xác thực, chứng cứ, hành vi tham nhũng cụ thể đều được Ban xuất tiền mua, thậm chí tin giá trị được mua với giá 10 triệu đồng, thì đây là một phương cách tích cực. Trước hết điều đó thể hiện chủ trương ai cũng có thể tham gia vào công cuộc chống tham nhũng và được tôn trọng. Không dựa vào dân, tai mắt nhân dân, khó phanh phui hết thủ đoạn, hành vi gian dối, xảo quyệt của kẻ tham nhũng.

Sau nữa, dù không phải thứ gì cũng tính bằng tiền, nhưng những thông tin vạch trần tham nhũng có giá trị cần được trân trọng, trả công xứng đáng, coi đó như sự đóng góp đầy trách nhiệm vào sự phát triển xã hội. Không thể chỉ phạt bằng tiền, thưởng bằng giấy như hồi cách nay chưa lâu.

Có điều, những ý định, chủ trương tốt đẹp cần phải song hành với hành động tích cực, sự thực hiện đúng đắn. Đừng nói một đằng làm một nẻo, nói hay làm dở, nói mười làm không được một. Gây dựng, tạo lòng tin vào chính sách cho người dân đã khó, giữ được lòng tin ấy và nhân nó lên càng khó gấp bội phần. Dư luận nhân dân, báo chí truyền thông đã không ít eo xèo, bất bình, ngờ vực về những vụ việc, kết quả liên quan đến người chống tham nhũng. Dân gian có câu “được tiếng khen, ho hen cả đời”, và đúng là nó vận vào không ít người, những “anh hùng”, “nhân vật tiêu biểu” chống tham nhũng.

Chắc nhiều người còn nhớ thầy giáo Đỗ Việt Khoa hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nổ phát súng đầu tiên chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành giáo dục. Ai ngờ “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, những truân chuyên vất vả theo đuổi thầy Khoa mãi đến giờ. Rồi chị Nguyệt “Hoài Đức” gắn với vụ phanh phui kết quả xét nghiệm nhân bản, món tiền thưởng cho hành động dũng cảm chống tiêu cực chỉ hơn 300.000 đồng chả đáng là bao nhưng những dè bỉu, xa lánh, ghẻ lạnh của cấp trên, đồng nghiệp, người đời thì lại quá nhiều khiến chị chịu bao cay đắng. Còn rất nhiều cá nhân chống tiêu cực chẳng những đã không được tôn vinh, bảo vệ mà ngược lại còn bị đe dọa bởi đủ thứ thù nghịch từ chính đồng bọn của kẻ tham nhũng gây ra.

Vậy thì, mua một cái tin chống tham nhũng có thể tới 10 triệu đồng, nhưng tạo được niềm tin cho người dân vào công cuộc chống tham nhũng thì không thể chỉ tiền muôn bạc vạn.


>>> Lâm Đồng mua tin tham nhũng: Chi 10 triệu đồng để khích lệ



Theo Nguyễn Thông

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên