MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn tăng năng suất lao động: Tăng lương thôi, chưa đủ!

15-10-2015 - 09:03 AM | Xã hội

Các chuyên gia về lao động cảnh báo: Hiện năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, thậm chí chỉ ngang với Lào và nhỉnh hơn Campuchia.

NSLĐ thấp là nguyên nhân kìm hãm năng lực cạnh tranh là chìa khoá của tăng trưởng kinh tế. Làm thế nào để tăng NSLĐ? Vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này thế nào?

Tăng lương là một trong những yếu tố quyết định

Tại tọa đàm, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN - cho rằng: Việc tăng NSLĐ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là khó khăn hơn cả.

Thứ nhất, họ thiếu vốn.

Thứ hai, chất lượng lao động (LĐ) kém khiến phần lớn LĐ được đào tạo theo kiểu truyền miệng, bắt tay chỉ việc, trong khi LĐ theo tính chất kỹ thuật cao, hiện đại chưa có nhiều.

Để tăng NSLĐ tập trung vào 3 vấn đề: Cải thiện chính sách, môi trường pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng và khả năng phát triển khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ lao động, kỹ năng, kỷ luật của người lao động (NLĐ) và DN.

Ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định: “Để NLĐ có động lực và tham gia vào quá trình tăng NSLĐ thì quan trọng là tiền lương. Họ có đủ sức tái tạo LĐ, họ có động lực, có nhuệ khí thì họ mới làm, nếu không họ không làm hoặc chống đối.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều đối sách đúng đắn nhưng do triển khai chậm, không đáp ứng được với thực tiễn nên đôi khi nó cản trở, phản tác dụng, làm mất niềm tin của NLĐ, dẫn đến động lực tăng NSLĐ của NLĐ thấp xuống. Cho nên, chúng ta cần phải tăng lương thỏa đáng cho NLĐ, tất nhiên chúng ta vẫn phụ thuộc vào sức khỏe của DN, của nền kinh tế, để xử lý hài hòa và chặt chẽ mối quan hệ này”.

 Hội thảo Tăng năng suất lao động do Báo Lao Động tổ chức. 

Liên quan đến vấn đề tiền lương cho NLĐ, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - chia sẻ: “Trong quá trình công nghiệp hóa, LĐ giá rẻ ngày càng chỉ còn là phần rơi rớt. Tiền lương sẽ dần được tăng lên và tiền lương tối thiểu sẽ tiến tới mức sống tối thiểu. Giá của LĐ gia công sẽ không còn rẻ so với giá nhân công chung của thế giới”.

Tìm hiểu nguyên nhân cho vấn đề NSLĐ của Việt Nam chưa cao, ông Thọ lý giải: “Nguyên nhân đến từ phía Nhà nước, DN, công đoàn và NLĐ. Nhà nước chưa tạo ra được nguồn LĐ có tay nghề đa dạng và trình độ cao từ các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học. Về DN, họ chưa chú trọng tới tất cả các vấn đề liên quan tới NSLĐ. Bởi, NSLĐ gồm cả hành vi, thái độ, suy nghĩ và tác động của con người đối với công việc. Đặc biệt, DN chưa quan tâm tới suy nghĩ, tâm tư của NLĐ”.

Vai trò của công đoàn là rất lớn

Làm rõ nguyên nhân khiến NSLĐ của Việt Nam thấp, bà Nguyễn Thị Hương Hiền - Phó Trưởng phòng Tiền lương, Viện LĐXH - phát biểu: “NSLĐ của VN trong suốt giai đoạn qua vẫn thấp. Nguyên nhân là do tốc độ vốn trang bị trên 1 LĐ của VN dù tăng nhưng nếu đem ra so với các nước trên khu vực vẫn đứng ở vị trí rất thấp, chỉ bằng 1/17 so với Singapore và bằng 1/10 so với Hàn Quốc. Như vậy, dù vốn đóng góp rất nhiều vào NSLĐ, tuy nhiên so với quốc tế thì mật độ này vẫn rất khiêm tốn”.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho rằng, tọa đàm đã đánh giá thực trạng NSLĐ VN hiện nay, của DN và so sánh NSLĐ với các nước khu vực để thấy được mình đang đứng ở đâu mà đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, Bộ KHĐT đề xuất Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban tăng NSLĐ bao gồm Chính phủ, đại diện DN, các hiệp hội, công đoàn và các nhà nghiên cứu. Ủy ban này có trách nhiệm tham vấn cho Chính phủ đề ra sách lược, thúc đẩy tăng NSLĐ.

Cũng theo ông Chính, khi công đoàn đề xuất phong trào thi đua thì khối nhà nước làm rất tốt nhưng ở khối ngoài nhà nước có nhưng rất ít. Về vấn đề này ông Chính dẫn giải, bình thường CNLĐ làm 10 sản phẩm/ngày; sau thi đua đạt 15 sản phẩm/ngày nhưng DN lại lấy luôn mức 15 sản phẩm làm định mức. Do đó NLĐ không được hưởng gì khi NSLĐ tăng. Vậy tại sao NLĐ phải thi đua?

Ông Chính cho rằng, phần sản phẩm tăng thêm từ việc tăng NSLĐ phải được chia sẻ giữa ông chủ và NLĐ. Ngoài ra, tăng NSLĐ trong DN có nhiều yếu tố, trong đó có quản trị DN và phải tạo được động lực cho NLĐ để họ tham gia vào quá trình tăng NSLĐ, tham gia học tập nâng cao trình độ, tham gia vào việc sáng tạo, xây dựng văn hóa DN. CĐ sẽ có vai trò tác động, vận động NLĐ tham gia vào quá trình nâng cao NSLĐ.

“Cần cho người lao động làm thêm nhiều hơn” là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Công đoàn Cty may Hưng Yên. Ông cho rằng để tăng NSLĐ, rất cần thiết phải chuyên môn hóa sản xuất. Hiện nay NSLĐ ở từng DN thực sự đang tính từng xu một. Ông khẳng định ngành dệt may hiện nay có năng suất không thấp hơn so với những ngành khác nếu như nó có sự chuyên môn hóa đến từng chi tiết.

Lấy ví dụ với một tập đoàn may mặc của Mỹ tại Hưng Yên, chuyên may quần lót nam, nữ với năng suất rất cao. Quần lót nam đạt 2.500 chiếc/ngày bởi tính chuyên môn hóa cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng: “Để tăng năng suất thì cơ chế chính sách nhà nước cần thay đổi để giúp DN. Vừa rồi những vụ chuyển dịch các DN từ trong TP.Hà Nội ra ngoài đã làm mất rất nhiều thợ lành nghề của ngành dệt, bởi duy trì chế độ dù có về hưu hay sắp sửa về hưu vẫn cho phép được thanh toán 1 lần. Một loạt thợ nộp đơn nghỉ, kiếm mấy chục triệu đồng sau đó ra đi làm việc khác. Về thời gian làm thêm, trong khi Trung Quốc cho làm thêm 600 giờ, Nhật Bản cho làm thêm 720 giờ, Việt Nam chỉ cho 200-300 giờ làm thêm. Điều này cũng cần phải thay đổi mới mong muốn có được NSLĐ cao”.

Theo HẢI ĐĂNG - NGUYỄN HÀ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên