MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế: Dư luận nói gì?

23-04-2015 - 15:22 PM | Xã hội

Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn nước ta hiện nay.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó yêu cầu cần có các biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời có cơ chế thu hút người tài vào hoạt động công vụ đang thu hút nhiều người dân quan tâm.

Tinh giản biên chế là câu chuyện không mới. Đó là khẳng định của ông Lê Văn Mai, nguyên cán bộ Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam, hiện trú ở phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngay từ thời còn công tác, ông đã nghe chuyện tinh giản biên chế. Đến bây giờ, khi ông đã nghỉ hưu nhiều năm, câu chuyện này vẫn tiếp tục được bàn đến.

Ông Mai cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì thực tế hiện nay, có tình trạng ở nhiều cơ quan nhà nước, số lượng đội ngũ cán bộ công chức đông nhưng không mạnh, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong đó có nguyên nhân do việc tuyển dụng đầu vào chưa thực sự chọn được người có tài. Bên cạnh đó, nhiều người tài không vào khu vực nhà nước do mức lương thấp, ít có chế độ đãi ngộ.

Giải quyết nghịch lý này, theo ông Lê Văn Mai cần có sự quyết tâm, sự đồng lòng từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt người tài, giỏi làm việc thì lương của họ phải được hưởng thụ đúng với năng lực mà họ đã bỏ ra.

10 năm qua, nước ta đã thực hiện tinh giản biên chế 3 lần nhưng chưa lần nào đạt được kết quả như mong muốn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ từng báo cáo trước Quốc hội, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm, bộ máy ngày càng phình ra.

Chủ trì hội nghị trực tuyến mới đây về cải cách thủ tục hành chính và công bố chỉ số hài lòng của người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc... Và chính những hạn chế này đã và đang làm cản trở nỗ lực cải cách hành chính, làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị mới ban hành rất kịp thời và có ý nghĩa.

Theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Linh, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng: Quy định số lượng như vậy nhằm tránh tình trạng ngày càng "phình ra" của bộ máy các cơ quan nhà nước. Bà Linh rất quan tâm tới một nội dung trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đó là cần sớm có cơ chế thu hút người có tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Theo bà Linh, cơ chế tốt nhất là cơ chế đãi ngộ về tiền lương cũng như tạo môi trường để người tài phát huy được năng lực, đóng góp cho đất nước.

Bà Linh cho biết thêm: “Không trách được người trẻ vì với mức lương nhà nước chỉ 2-3 triệu đồng/tháng thì không đủ sống. Bây giờ lớp trẻ rất giỏi thì nhà nước phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ hợp lý, phù hợp với năng lực mà họ bỏ ra vì nếu ra ngoài làm, lương của họ có thể gấp 10 lần lương nhà nước”.

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một loạt các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức. Theo đó, sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó, bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý. nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá quan trọng.

Tại hội nghị Trung ương 10, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, và sau đó Tổng Bí thư ban hành Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về vấn đề này. Điều đó cho thấy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn nước ta hiện nay nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của bộ máy nhà nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

>>>Tinh giảm biên chế: Khó từ khâu xác định vị trí việc làm

Theo Minh Châm

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên