MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý trạm BOT đóng cửa không thu tiền vẫn xé vé

21-01-2014 - 13:11 PM | Xã hội

Việc duy tu, sửa chữa là do Quỹ bảo trì hàng năm rót về từ Trung ương, chủ đầu tư không phải sử dụng nguồn BOT.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trịnh Quang Thông - Giám đốc chi nhánh Công ty An Sinh tại Quảng Ninh (đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bãi Cháy) cho biết thông tin trên.

Trạm thu phí Bãi Cháy là một trong 4 trạm thu phí mà nhà nước giải thể đã cho tư nhân đấu thầu gồm: Bãi Cháy, Bàn Thạch (đã chuyển sang BOT), Phù Đổng, Hoàng Mai.

Ông Thông cho biết, các trạm thu phí đã chuyển BOT được thu phí BOT nhưng không phải chịu trách nhiệm sửa chữa, duy tu những đoạn đường này.

"Hàng năm có Quỹ bảo trì đường bộ từ Trung ương rót về, địa phương sẽ sử dụng số tiền này để sửa chữa mà không phải sử dụng tới nguồn BOT".

Tuy nhiên, ý kiến của ông Thông lại đi ngược hoàn toàn với khẳng định của Bộ GTVT trước đó. Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nếu thống kê hiện nay có tới 10 loại thuế phí trên một đầu xe nhưng Bộ GTVT không thu phí nào chồng phí nào.

Ông Trường giải thích, Bộ GTVT chỉ thu phí bảo trì đường bộ để phục vụ công tác bảo dưỡng, duy tu thường xuyên, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn. Trong đó, các phương tiện qua đoạn nào có BOT mới phải đóng phí BOT, phí này là để hoàn vốn đầu tư và phục vụ công tác duy tu, sửa chữa trên những đoạn đường BOT.

Bộ GTVT khẳng định, thu phí BOT các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm sửa chữa những hỏng hóc trên các đoạn đường này trong thời gian thu phí.

Nghịch lý BOT đóng cửa vẫn đếm xe, xé vé

Từ khi việc thu phí Quỹ bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện có hiệu lực vào đầu năm 2013, việc thu phí tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy hết sức khó khăn.

Theo hợp đồng, Công ty Cổ phần An Sinh được khai thác trạm thu phí cầu Bãi Cháy trong thời hạn 5 năm, kết thúc vào ngày 31/12/2014. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa nhận quyết định chính thức nào bằng văn bản của Bộ GTVT về hoạt động của trạm thu phí này.

Các tài xế qua trạm luôn tỏ thái độ khó chịu trước việc đã phải đóng phí qua đầu phương tiện mà vẫn phải mua vé qua cầu. Mặc dù, giờ xe qua trạm không phải mất phí nữa nhưng có nhiều trường hợp quá khích trong khi các nhân viên tại trạm chỉ biết thực hiện theo nhiệm vụ được giao.

Nguyên nhân được ông Thông giải thích là do Bộ gửi công văn yêu cầu xóa bỏ trạm thu phí Bãi Cháy nhưng lại không thỏa thuận được vấn đề bồi hoàn kinh phí xây dựng cho chủ đầu tư là Công ty An Sinh tại Quảng Ninh.

Do đó, hàng ngày nhân viên của trạm thu phí vẫn phải hoạt động 3 ca, để kiểm đếm các phương tiện qua lại cuối ngày gửi lên Tổng Cục đường bộ, Tổng Cục đường bộ lại gửi sang Bộ Tài chính làm cơ sở hạch toán cho chủ đầu tư.

“Lái xe rất bức xúc, họ cho rằng đã bỏ không thu phí thì để cho họ đi vì vừa mất thời gian, vừa ảnh hưởng tới tự do đi lại của người ta", ông Thông nói.

Khó khăn thứ hai theo ông Thông là tiền chi trả lương cho nhân viên. Thay vì công ty chủ động thì nay phải phụ thuộc vào Bộ Tài chính. Bộ cấp tiền, nhân viên mới được trả lương.

"Khi đã ngồi chìa mặt với chủ lái xe là đã phải chấp nhận với rất nhiều chuyện. Nhưng khó khăn này là do vướng mắc chủ trương của nhà nước với công ty. Khó khăn đối với chúng tôi là làm sao để giải thích được cho lái xe đi chậm lại để chúng tôi kiểm đếm, nếu họ không dừng lại thì chúng tôi cũng phải chịu", ông Thông cho biết thêm.

Phó Tổng giám đốc Cienco 4, ông Hoàng Văn Đào cho biết, trong thời gian chủ đầu tư thi công, khai thác nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng, bảo dưỡng, duy tu công trình trong quá trình thu phí BOT.

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian thu phí BOT, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho nhà nước quản lý và khi đó chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng trên đoạn đường này mà toàn bộ kinh phí sửa chữa là do ngân sách nhà nước.
"BOT là chưa bao gồm phí bảo trì đường bộ", ông Đào cho biết thêm.

Theo Lam Lam

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên