Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines lãnh án 30 năm tù
Sau ba ngày xét xử hình sự sơ thẩm, chiều 13/11, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên bố 4 bị cáo trong vụ “rút ruột” công quỹ Nhà nước từ thương vụ sửa chữa ụ nổi 83M của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) phạm tội tham ô tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 278 BLHS.
Theo đó, bị cáo Trần Hải Sơn, 54 tuổi - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines bị xử phạt 20 năm tù, Trần Văn Quang, 38 tuổi - nguyên Phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lãnh án 18 năm tù; Trần Bá Hùng, 34 tuổi - nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ của nhà máy 17 năm tù; Phạm Bá Giáp, 42 tuổi - Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, có trụ sở giao dịch tại TP Nha Trang, Khánh Hòa 15 năm tù. Tổng hợp hình phạt Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên xử trong “đại án tham nhũng” ở Vinalines ngày 7/5/2014, buộc bị cáo Trần Hải Sơn lãnh án 30 năm tù.
Trước đó trong phần tranh luận tại tòa, luật sư bào chữa cho Trần Hải Sơn cho rằng bị cáo này chỉ gây thiệt hại 2,6 tỷ đồng chứ không phải hơn 3,6 tỷ đồng như kết luận tại cáo trạng của Viện KSND tối cao, ngoài ra người bào chữa còn đề nghị xem xét lại số tiền 650 triệu đồng bị cáo đã sử dụng để mua quà biếu tặng một số quan chức.
Trong khi đó luật sư bào chữa cho Trần Văn Quang đề nghị giám định tài chính số tiền bị cáo này bị quy kết tham ô hơn 857 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa giữ quyền công tố tại tòa theo ủy quyền của Viện KSND tối cao khẳng định cáo trạng truy tố 4 bị cáo về tội danh, số tiền đã “rút ruột” công quỹ là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, ụ nổi 83 M được Vinalines ký kết hợp đồng mua lại từ một đối tác ở Liên bang Nga vào năm 2007. Do mua ụ nổi “quá đát”, đã có tuổi thọ 42 năm nên sau khi chuyển tải về Việt Nam được đưa vào Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin ở tỉnh Khánh Hòa để sửa chữa. Trong thương vụ mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cùng một số cộng sự đã “rút ruột” công quỹ để chia nhau 359 tỷ đồng, nên phải vào vòng tố tụng hình sự.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 7/5/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử hình phạt tổng hợp tử hình về hai tội tham ô và cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế đối với Dương Chí Dũng.
Cùng hai tội danh nêu trên, Trần Hải Sơn cũng xử phạt 22 năm tù. Khi ụ nổi 83M đưa về Việt Nam Vinalines đã ủy quyền cho doanh nghiệp thành viên là Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines ký kết hợp đồng sửa chữa, thanh toán chi phí với Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin ở Khánh Hòa.
Tranh thủ chức trách được giao Trần Hải Sơn “đạo diễn” cho Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng thực hiện chiêu trò “rút ruột” công quỹ nhà nước bằng thủ đoạn nâng khống giá trị sửa chữa phần sắt và kẽm chống ăn mòn ụ nổi theo hợp đồng số 01 có tổng trị giá 7,2 tỷ đồng và phần sửa chữa van, hệ thống đường ống, chống ăn mòn ụ nổi có tổng trị giá 1,5 tỷ đồng theo hợp đồng số 2.
Để có chứng từ thanh quyết toán “hợp pháp”, ba đối tượng nêu trên đã “mượn” tư cách pháp nhân của Công ty TNHH Nguyên Ân để lập các thủ tục có liên quan, biến thương vụ sửa chữa ụ nổi 83M thành phi vụ tham ô tài sản hơn 3,6 tỷ đồng. Trần Hải Sơn đã chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng trong tổng số tiền “rút ruột” công quỹ, Trần Văn Quang chiếm đoạt 857 triệu đồng, Trấn Bá Hùng 395 triệu đồng, Phạm Bá Giáp 178 triệu đồng.
Quá trình điều tra, truy tố, Trần Hải Sơn khai báo đã chi quà biếu cho Dương Chí Dũng 300 triệu đồng, nhưng Dũng chỉ thừa nhận giá trị quà biếu 150 triệu đồng do Sơn tự nguyện đưa chứ không hề ép buộc, vòi vĩnh và không biết nguồn gốc số tiền đó ở đâu.
Ngoại trừ Phạm Bá Giáp đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa buộc bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục bồi thường 1,150 tỷ đồng, Trần Văn Quang 573 triệu đồng, Trần Bá Hùng 395 triệu đồng
>>>Xét xử vụ án tham ô tài sản khi sửa chữa ụ nổi 83M
Theo PV