MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Văn Cuông: "Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!"

09-02-2016 - 14:20 PM | Xã hội

“Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm sao làm ĐBQH được, làm sao đại diện cho dân được. Đại diện cho dân là anh sẵn sàng vì quyền lợi của đất nước, vì nhân dân chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân”, ông Lê Văn Cuông nói.

Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới.

Do bài phỏng vấn bao gồm nhiều nội dung nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.

- Thưa ông, tại một số kỳ họp QH gần đây, chủ tọa điều hành phiên họp thường cho nghỉ sớm vì không có ý kiến đại biểu nào phát biểu. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Thực ra vấn đề hoạt động của QH càng ngày càng phức tạp. Bây giờ nhiều khi người ta "vận động hành lang" hay “đi đêm”, hay gặp gỡ các Bộ trưởng bên ngoài giải quyết theo kiểu “lợi ích” chứ rất ít đại biểu nói trực diện, nói thẳng trên diễn đàn.

Có vấn đề gì người ta thường gặp gỡ nhau, hay các Bộ trưởng mời các đoàn đại biểu QH giao lưu ngày càng nhiều để có những chia sẻ, thông cảm. Đại biểu thấy có khi phát biểu thẳng thắn chẳng được cái gì nên tốt nhất là tìm cách để thế nào cho “hiệu quả” cho nên bây giờ người ta không hăng hái, nhiệt huyết, trách nhiệm.

Bây giờ anh phát biểu đúng, trúng thì phải nghiên cứu rất công phu hay tìm hiểu rất kỹ thì mới chuẩn và chất lượng được. Thế nhưng bây giờ làm việc đó thì được cái gì? Cho nên người ta ngại va chạm, né tránh. Tuy nhiên, nếu phát biểu chung chung, hô hào khẩu hiệu thì mất uy tín cho nên tốt nhất không phát biểu.

Đó là số lượng phát biểu tại nghị trường mặc dù bố trí thời gian nhiều nhưng rất ít đại biểu phát biểu vì người ta ngại đọc, nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm của mình… cho nên chỉ còn một số ý kiến đại biểu chuyên trách nêu một cách chung chung.

Bây giờ suy nghĩ của ĐBQH cũng phân hóa luồng tư tưởng nên qua mấy khóa vừa qua người ta cũng rút ra một số kinh nghiệm và tranh thủ tận dụng những năm tháng làm ĐBQH như thế nào cho hài hòa chứ không mang bầu nhiệt huyết vì dân vì nước nữa. Nhiều đại biểu QH người ta hoạt động mang tính chất tính toán có lợi cho cá nhân.

- Vậy theo ông phải làm thế để khắc phục những nhược điểm trên trong hoạt động của Quốc hội?

Bây giờ tốt nhất là làm thế nào để có thiết chế bầu cử chuẩn xác, giới thiệu được những con người thật sự vì nước, vì dân và phải có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ để đứng vào đội ngũ QH để bảo vệ lợi ích của đất nước. Còn bây giờ theo kiểu Đảng cử dân bầu và cách thức như lâu nay thì bầu theo kiểu này sẽ trở thành mảnh đất, cơ hội chạy chọt.

Bây giờ chạy vào QH là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được. Chạy vào đó để hưởng lợi, để đánh bóng thương hiệu thôi chứ không phải chạy vào đó là vì nước vì dân.

Chưa nói đến một số vị bị bắt, bị truy tố, bị bãi miễn mà nhiều người cũng nằm ở vị trí thiếu tác dụng, thiếu gương mẫu trong phát ngôn lung tung mang tính chất tùy tiện, ngẫu hứng chứ không phải vì nước vì dân…. sẽ khiến QH yếu thế và giảm lòng tin của người dân.

- Ông vừa nói phải có thiết chế bầu cử chuẩn xác nhưng vấn đề là phải xây dựng thiết chế này thế nào?

Vấn đề là phải đổi mới sự giới thiệu các nhân sự ra ứng cử. Phải thực sự dân chủ, minh bạch, công tâm và phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân thực chất chứ không phải là hình thức, nhất là mặt trận nhân dân trong vấn đề hiệp thương giới thiệu.

Phải để cho người dân giới thiệu đại biểu ra ứng cử không thể để một bộ phận lãnh đạo “chỉ điểm” người này người kia ra, hoặc có biểu hiện "quân xanh quân đỏ", không có sự cạnh tranh, không có số dư…

Lâu nay việc này mình làm rất hình thức. Tức là trong vấn đề bầu cử chưa bầu đã biết ai trúng rồi. Việc này chỉ làm mồi cho vấn đề chạy chức chạy quyền phát triển.

Do mang tính chất áp đặt nên không bao giờ có đại biểu có chất lượng. Đại biểu có chất lượng là phải dân chủ từ nhân dân giới thiệu và phải có tranh cử (tranh cử người ngang sức ngang tài. Không thể một người chức cao lại tranh cử với một người nông dân. Như thế ai cũng biết ai sẽ trúng). Ví dụ, hai ông giám đốc sở thì chọn một ông chẳng hạn, hay hai ông chủ tịch huyện chọn một ông…

Muốn có một đại biểu có chất lượng thì phải đổi mới bầu cử. Muốn đổi mới bầu cử phải thật sự dân chủ, khách quan, công tâm chứ không hình thức.

- Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp sau khi được dân cử lên vì “sức ép” nào đó, sau một thời gian vị đại diện cho dân cũng sẽ thu mình lại?

Cái cơ bản nếu chọn đúng những người có bản lĩnh thì có mất chức người ta cũng không sợ. Ví dụ, nếu chọn một đối tượng ở ngành giáo dục chẳng hạn thì phải toàn bộ ngành đó họ bầu trong hệ thống của họ từ cơ sở đến tỉnh để chọn ra đối tượng đó. Chứ nếu cơ cấu một giáo viên giáo dục thế là chọn ngay ở một trường A nào đó xong lại chỉ điểm vào đối tượng nào đó để cho các cơ quan tập trung vào để kéo ra được tên người đó thì nó không đại diện cho toàn tỉnh, thậm chí không đại diện cho toàn trường đó vì đó là kiểu “úp nơm” chỉ đạo.

Trước đây có trường hợp Nguyễn Viết Xuân đứng trước quân thù vẫn vẫy cờ "nhằm thẳng quân thù mà bắn". Thế nên bây giờ, một ĐBQH sợ mất quyền lợi hay thế này thế kia mà không dám nói lên thì không xứng đáng là đại biểu QH.

Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm sao làm ĐBQH được, làm sao đại diện cho dân được. Đại diện cho dân là anh sẵn sàng vì quyền lợi của đất nước, vì nhân dân chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân.

Nếu anh phát biểu đúng, trúng vì nước vì dân, anh có thể bị thế này thế kia thì người dân người ta vẫn nghĩ tốt về anh, anh vẫn là người của nhân dân bầu ra. Nếu anh không phát huy được gì người ta chẳng biết anh là đại biểu QH.

Còn nữa...

Theo Tuấn Minh (Thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên