MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phí đường bộ đối với xe máy: Thu 0 đồng cũng chẳng đơn giản

20-06-2015 - 08:12 AM | Xã hội

Việc thu hay không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong 63 tỉnh thành, hiện hầu hết đã triển khai thu loại phí này, duy chỉ TP.HCM thì chưa và chuẩn bị thu.

Nhưng thu hay không thu và thu mức 0 đồng là như thế nào, việc thu phí ở những nơi đã thu diễn ra ra sao?... Chúng tôi đã có ghi nhận về nội dung này.

Chưa rõ có thu hay không?

Ông Nguyễn Văn Cẩn - người dân ở Củ Chi, TP.HCM - nói qua theo dõi việc tranh luận giữa Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, ông rất vui mừng khi lãnh đạo HĐND TP vẫn giữ quan điểm không thu phí xe máy.

“Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Đinh La Thăng và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng sẽ triển khai thu phí ở mức 0 đồng thì chúng tôi chưa hiểu rõ. Tranh luận này chúng tôi thấy vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng có thu hay không thu, bởi việc không thu phí hoàn toàn khác với chuyện thu phí mức 0 đồng. Trong đời sống hằng ngày, người dân đã phải trả nhiều loại thuế phí lắm rồi nên vẫn có nguyện vọng TP sẽ không triển khai thu thêm phí bảo trì đường bộ đối với xe máy nữa” - ông Cẩn nói.

Trong khi đó nhìn ở góc độ luật pháp, ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP.HCM) nhìn nhận: việc thu phí là triển khai từ luật, nghị định và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nói nôm na việc thu phí là bắt buộc.

Vì vậy theo ông, nếu TP.HCM vẫn quyết bảo vệ quan điểm chưa thu phí thì thứ nhất phải giải trình với Chính phủ và các bộ ngành liên quan những lý do hợp tình hợp lý và cần phải kiến nghị sửa đổi nghị định, thông tư. Như vậy TP.HCM và các tỉnh thành khác không cần phải tổ chức thu phí. “Còn nếu vận dụng thông tư 133 như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói dù thu phí mức 1 đồng hay 0 đồng thì vẫn phải thu phí. Lúc đó khoản thu không có mà ngược lại còn tốn một khoản tiền khổng lồ cho bộ máy tổ chức kê khai, thu, quản lý phí này”.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền cũng nhìn nhận: về mặt pháp lý, việc không thu phí hoàn toàn khác biệt với việc vẫn phải thu phí nhưng ở mức 0 đồng. Khi quyết định không thu phí thì tổ chức, cá nhân liên quan sẽ không có nghĩa vụ kê khai, nộp phí. Nhưng nếu trường hợp phải thu với mức phí 0 đồng thì về nguyên tắc vẫn phải thực hiện các thủ tục kê khai... Khi đó sẽ phát sinh chi phí cho công tác này mà lại không có nguồn thu thì quá bất hợp lý và đi ngược với mục đích đã được luật định “mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí”. Như vậy, thu phí 0 đồng là trái với mục đích việc thu phí.

Hà Nội: cả năm chỉ thu được 1,5 tỉ đồng!

Tại Hà Nội, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được HĐND TP quyết vào cuối năm 2012, áp dụng từ năm 2013 với hai mức thu: 50.000 đồng/năm đối với xe có dung tích xilanh đến 100cm3, 100.000 đồng/năm đối với xe trên 100cm3.

Tuy nhiên việc thu phí đạt thấp, không hoàn thành chỉ tiêu. Cụ thể trong năm 2013, năm đầu Hà Nội chỉ thu được 55 tỉ đồng trong khi dự kiến thu hơn 260 tỉ đồng, chỉ đạt 21% kế hoạch.

Đáng nói, trong năm 2013 có huyện không thu được đồng nào. Tình trạng khó thu tiếp tục kéo dài sang năm 2014, đến hết tháng 2 toàn TP chỉ thu được 1,5 tỉ đồng, bằng 0,6% so với dự kiến của cả năm 2014.

Do nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đạt thấp, TP Hà Nội đã giao các sở ngành nghiên cứu hình thức khoán thu, thậm chí áp dụng cả giải pháp giao chỉ tiêu thu phí cho từng quận, huyện. Tuy nhiên, theo Ban kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội, đến nay số thu vẫn đạt tỉ lệ rất thấp và việc thu còn rất nhiều khó khăn.

Ở Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh - thành viên Ban kinh tế ngân sách HĐND TP Đà Nẵng - cho biết hiện TP vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn thu phí đường bộ đối với xe máy. Theo ông Lĩnh, nếu có mức tối thiểu là 0 đồng, Đà Nẵng sẽ áp dụng mức này hoặc xin không thu phí. Ông Lĩnh cho rằng với trường hợp đã thu 100.000 đồng/năm của năm 2015 để đảm bảo công bằng với người chưa thu thì nên áp dụng chính sách 0 đồng từ năm 2016.

Trước đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 17-6, ông Trần Thọ - bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết sẽ đưa vấn đề thu phí đường bộ xe máy vào kỳ họp HĐND TP sắp tới, nếu các đại biểu đồng ý thì xin dừng. Thực tế mức thu phí đường bộ với xe máy thời gian qua chỉ đạt dưới 30% trong khi người dân kêu ca, phàn nàn rất nhiều.

Ông TRẦN QUANG CHIỂU (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội):

Nhiều đề nghị không thu phí xe máy

Quan điểm chung của Ủy ban Tài chính và ngân sách là cần rà soát một số loại phí, lệ phí có chi phí cho công tác hành thu cao, số thu thấp mà người dân không đồng tình.

Hiện Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật phí và lệ phí, đến kỳ họp sau sẽ rà soát toàn bộ loại phí và lệ phí, đề nghị cắt đi một số loại. Ủy ban Tài chính và ngân sách đã họp thẩm tra dự án Luật phí và lệ phí, qua đó có nhiều ý kiến theo hướng không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Lý do là loại phí này thu không được nhiều, chi phí hành thu cao, lại giao cho xóm, đội (không phải cán bộ thuế) thu thì dễ có tiêu cực.

Bây giờ vấn đề là bàn thu hay không thu. Cũng có ý kiến cho rằng đã là quyền và nghĩa vụ của công dân thì nên thống nhất trên toàn quốc, không nên nơi thì thu loại phí này, nơi thì không thu.

 

PV

Theo Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên