MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội đưa ra yêu cầu với từng bộ trưởng sau chất vấn

26-06-2015 - 17:29 PM | Xã hội

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội được thông qua chiều 26/6...

Ghi nhận các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội khi trả lời chất vấn, Quốc hội đưa ra yêu cầu trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ngành công thương được yêu cầu tổ chức hệ thống phân phối, thương mại trong nước một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến, đến lưu thông, tiêu dùng.

Có biện pháp tích cực, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến rõ nét trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, thích ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới cũng là giải pháp Quốc hội lưu ý Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Nhiệm vụ của ngành còn là khuyến khích mọi nguồn vốn đầu tư cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020.

Mốc thời gian cụ thể được nêu tại nghị quyết là bảo đảm đến năm 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tăng cường quản lý, bảo đảm quy trình vận hành, an toàn hồ, đập.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc mốc thời gian có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, thời điểm hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình của ngành điện được Chính phủ phê duyệt là vào năm 2023. Tuy nhiên, do nhu cầu của nền kinh tế thị trường và những cam kết của Bộ trưởng Bộ Công Thương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước đây, việc yêu cầu đẩy sớm thời gian trên là phù hợp.

Bộ Công Thương còn được lưu ý phối hợp với ngành tài chính và các ngành có liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, có sự quản lý của Nhà nước. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở từng địa phương và trong cả nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Quốc hội yêu cầu có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và bổ sung các chính sách có liên quan để thực hiện tốt hơn việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản cũng là yêu cầu dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Bộ trưởng Cao Đức Phát còn được giao rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong nông nghiệp, hoàn thiện và tổ chức thực hiện, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm an toàn, tạo niềm tin và động lực cho người dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Với lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhiệm vụ của vị bộ trưởng lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội là khẩn trương, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hoàn thiện và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ cũng là yêu cầu đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Đổi mới tổ chức và hoạt động, đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo cơ chế đặt hàng; sử dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ; đổi mới cơ chế tài chính, việc giao và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ Quốc hội giao cho ngành khoa học, công nghệ.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là xây dựng và tổ chức thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội.

Tổ chức thực hiện tốt, tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện đề án đổi mới kỳ thi, bảo đảm tổ chức kỳ thi ổn định trong những năm tiếp theo, giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội cũng là nội dung được nêu với ngành này.

Nhiệm vụ của ngành còn là hoàn chỉnh hệ thống văn bản về đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới; chỉ đạo và hỗ trợ các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tập huấn, rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; hướng dẫn, động viên học sinh phát huy khả năng của bản thân; tuyên truyền, giải thích để phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên