MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa điều luật “công nhân có lương hưu”: 99/153 đại biểu đồng tình

27-05-2015 - 09:20 AM | Xã hội

Sáng 27/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trước đó, phiên thảo luận tổ ngày 22/5 đã ghi nhận các ý kiến còn rất khác nhau của các vị đại diện cho dân.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu về phiên thảo luận này cho biết trong tổng số 153 vị lên tiếng có 99 vị nhất trí và 5 vị không đồng ý sửa đổi. 26 vị đề nghị quy định trong nghị quyết của Quốc hội cho phép bảo lưu chính sách người lao động sau một năm nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

99 vị “phiếu thuận” nêu rất nhiều lý do cần phải sửa. Đó là đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động còn thực sự khó khăn có nhu cầu được nhận bảo hiểm xã hội một lần, cần tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động, thể hiện sự trân trọng của Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân.

Hay, tiền lương hưu rất thấp, chưa đủ sống nên chưa trở thành động lực cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài. Người lao động phải dịch chuyển chỗ làm việc nhiều lần và rất ít người có thời gian làm việc đến hết tuổi lao động để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Dù là thiểu số nhưng lập luận của các vị không đồng ý cũng rất sắc bén. Như, đây là quy định có tính nhân văn cao, hướng đến lợi ích lâu dài của người lao động, phù hợp với xu hướng an sinh xã hội trên thế giới.

Các vị này nhận định, một bộ phận người lao động chưa hiểu kỹ chính sách, nếu sửa đổi thì tăng gánh nặng ngân sách trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp, người lao động ủng hộ điều 60, chỉ một bộ phận lao động phản đối, không phải tất cả người lao động, cần tránh tạo tiền lệ xấu để các thế lực phản động lợi dụng, gây phức tạp tình hình.

Tập hợp từ nhiều tổ thảo luận, đoàn thư kỳ kỳ họp cho biết một số ý kiến cho rằng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa tốt nên người lao động chưa hiểu, chưa đồng tình, chứ không phải do chính sách quy định tại điều 60 chưa tốt.

Số ít đại biểu còn đề nghị cần làm rõ nguyên nhân tại sao một chủ trương đúng đắn, bảo vệ quyền lợi an sinh lâu dài cho người lao động như vậy mà một bộ phận lao động lại không đồng tình.

Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị Quốc hội phải xin lỗi người lao động khi sửa đổi điều 60 bởi trách nhiệm trước hết thuộc về Quốc hội.

“Có ý kiến cảm thấy buồn, xấu hổ vì thấy trách nhiệm của mình khi vừa thông qua luật, chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”, đoàn thư ký phản ánh.

Liên quan đến quy trình, đại biểu đề nghị Quốc hội thảo luận công khai, bỏ phiếu kín trước khi quyết định sửa hay không sửa chính sách này để đảm bảo sự đồng thuận trong Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến người lao động, đặc biệt là công nhân ở phía Nam để đánh giá tác động đối với đối tượng điều chỉnh tại điều 60, ảnh hưởng tới an sinh người lao động như thế nào thì mới có cơ sở để quyết định sửa hay không sửa.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên