MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu: Người lao động trông chờ

12-11-2014 - 11:56 AM | Xã hội

Ngày 11-11, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề tăng lương tối thiểu vùng 2015, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng: Việc tăng lương cần phải đảm bảo tính hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên (người lao động và người sử dụng lao động).

Với mức lương như hiện nay thì người lao động khó mà có thể sống được bằng lương. Và mục tiêu đến năm 2017 lương tối thiểu sẽ ngang bằng mức sống tối thiểu rất khó cán đích. 

Năm 2015 lương tối thiểu vùng tăng 15%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Từ ngày 1-1-2015 lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng, tương đương tăng khoảng 15%. Tại thời điểm kinh tế vẫn chưa hồi phục mức tăng như vậy được coi là sự nỗ lực lớn.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2015 tới đây như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.

Đây là con số không mấy bất ngờ, bởi trước đó để có được phương án trình Chính phủ, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng phải trải qua không ít cuộc thảo luận, lấy ý kiến trong đó có không ít cuộc họp giữa nhiều bên nhưng vẫn không thể thống nhất về con số sẽ tăng trong năm 2015. Tuy nhiên trải qua nhiều cuộc tranh luận, có cả sự nhượng bộ cũng như thỏa hiệp của các bên, phương án tăng lương đã được Hội đồng chốt để trình Chính phủ.

Như vậy, so với mức lương Chính phủ đã phê duyệt thì mức lương tối thiểu ở khu vực I và II bằng với đề xuất mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra hồi tháng 8 và mức mức lương tối thiểu ở khu vực III và IV thấp hơn từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng so với đề xuất trước đó.

"Đến thời điểm này chúng tôi vẫn khẳng định, với mức tăng này khó lòng giúp người lao động có thể đảm bảo mức sống tối thiểu chứ chưa nói tới việc đảm bảo đúng theo lộ trình. Về điều này không chỉ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy, mà ngay cả Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng nhận thấy.

Tuy nhiên, như ý kiến của Hội đồng Tiền lương quốc gia thì việc tăng lương phải dựa trên tính chất san sẻ để đảm bảo đồng thời lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên ngành chức năng cần phải kiểm tra, giám sát; các doanh nghiệp phải công khai thang, bảng lương, phải để người lao động nắm được quyền của mình, bởi việc tăng lương tối thiểu không phải tăng thêm 20.000 đồng hay 50.000 đồng mỗi tháng mà còn liên quan tới chế độ bảo hiểm xã hội về sau”, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công đoàn - Công nhân (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói.

Để người lao động sống được bằng lương

Lương tối thiểu vùng tăng 15%, con số này khá khiêm tốn nhưng vẫn được người lao động đón nhận hào hứng, không ít người còn cho rằng đây là dấu hiệu "hồi phục ngân sách gia đình”. "Có việc làm và không bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đã là điều may trong năm nay. Thế nên việc tăng lương dù không nhiều nhưng với những người lao động chỉ sống bằng đồng lương đều rất quý giá. Chỉ mong sao giá cả đừng tăng, để cuộc sống công nhân đỡ eo hẹp, khó khăn”, chị Nguyễn Thị Phương Thoa công nhân khu công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Cùng chung niềm vui ấy, anh Nguyễn Khắc Xuyên công nhân nhà máy in khu công nghiệp Hòa Lạc (Hà Nội) nói: Tăng lương với chúng tôi chính là dấu hiệu của sự hồi phục, với nhiều người 50.000 đồng chỉ đáng một bữa cơm bình dân nhưng với những công nhân thì nó không đơn thuần là tăng vật chất mà là một niềm tin về cuộc sống no đủ phía trước. Dù tăng ít nhưng chúng tôi rất kì vọng đến năm 2017 lương tối thiểu sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu mà Nhà nước đã đặt ra.

Theo lộ trình vẫn còn hơn 2 năm nữa (2017) nhưng dường như "đích” mà ngành chức năng đặt ra và cũng là mong ước của người lao động sẽ khó đạt. Bởi có một thực tế là việc tăng lương để người lao động có thể sống được nhưng vẫn không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp đang là một bài toán nan giải, còn nhiều tranh cãi.

Vẫn theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, đã là người sử dụng lao động thì họ bỏ 1 đồng cũng tiếc, còn với người lao động thì dù có nhận được 10 đồng cũng ít. Để việc tăng lương đạt đúng lộ trình thì bên cạnh yếu tố kinh tế thì việc tìm tiếng nói chung giữa các bên rất quan trọng. Đặc biệt, người sử dụng lao động phải nhìn nhận việc tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tăng năng suất lao động chứ không phải là sự nhượng bộ.

Ông Thọ nói điều này vì trước đó tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi tháng 8, đại diện giới sử dụng lao động nói: "Quan điểm ban đầu của VCCI là đề xuất mức 11%, nhưng cuối cùng, chúng tôi đã nhượng bộ tới mức 15,1%”.

>>>Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2015



Theo Lan Hương

cucpth

Báo Đại Đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên