MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu vùng: Không để người lao động rơi vào “vùng trũng của xã hội”

19-10-2015 - 09:21 AM | Xã hội

Trong cuộc họp bàn về điều chỉnh lương tối thiểu vùng giữa lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam mới đây, có ý kiến cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng có thể làm cho thu nhập của người lao động bị giảm! ".

Không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN

Một giám đốc nhân sự của một DN đưa ra ví dụ, khi DN trả cho một CNLĐ phổ thông với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng (DN này nằm trong khu vực mức LTTV II là 2,75 triệu đồng), số tiền lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí CĐ. Có nghĩa là, khi NLĐ nhận lương sẽ phải trừ đi 693.000 đồng phần chi phí DN đóng và 303.000 đồng phần do NLĐ đóng.

Như vậy, NLĐ thực lĩnh trong một tháng chỉ còn hơn 5 triệu đồng. Năm 2016, nếu mức LTTV tăng 12,4%, LTTV II sẽ là 3.091.000 đồng và mức các loại phí phải đóng tăng lên 1.119.715 đồng. Lúc này, lương thực lĩnh chỉ còn 4.880.285 đồng. Như vậy, nếu tăng LTTV lên 12,4% trong năm 2016, thu nhập NLĐ sẽ giảm 123.527 đồng/tháng.

Với ví dụ này, đại diện DN thừa nhận chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ dựa trên mức LTTV. Đây chính là một nguy cơ rất lớn cho NLĐ khi nghỉ hưu vài chục năm sau, họ chỉ nhận được trợ cấp hưu trí có khi dưới chuẩn nghèo. Điều này, thực tế đã xảy ra và chỉ riêng tại TPHCM có hàng ngàn trường hợp. Vì thế, với chức năng bảo vệ NLĐ, trong đó có việc bảo vệ từ xa thông qua xây dựng các quy định của pháp luật, Tổng LĐLĐVN kiến nghị phải tăng LTTV một cách hợp lý để NLĐ khi nghỉ hưu không phải rơi vào “vùng trũng của xã hội”, phải gánh chịu khó khăn và làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Cũng qua ví dụ trên cho thấy, DN chỉ chăm chăm trừ vào khoản thu nhập của NLĐ khi phải điều chỉnh LTTV, mặc dù tăng LTTV là bù một phần trượt giá, bảo đảm lương thực lĩnh của NLĐ không bị ảnh hưởng. Cũng tại hội nghị này, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐTBXH - khẳng định: “Mức LTTV là mức sàn, nếu hầu hết DN đã trả cao hơn mức này thì thực tế mức điều chỉnh nói trên (12,4%) không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả của DN”.

“Tam đoạn luận” một cách ngây thơ

Liên quan đến vấn đề về đóng BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí CĐ, mới đây, ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP may Sông Hồng - đặt câu hỏi: “Vì sao DN Việt lại bi đát như vậy? Vì các chi phí trong sản xuất của các DN phải gánh chịu là quá lớn, quá sức chịu đựng, trong đó đặc biệt là các phí BHXH, BHYT, BHTN, CĐ phí...”.

Luật sư Tăng Quốc Thừa (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét: “Đóng BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí CĐ là các khoản chi phí do pháp luật quy định chứ không xuất phát từ ý chí của cá nhân hay một tổ chức nào. Các khoản chi phí này đều được Nhà nước cho phép tính vào giá thành sản xuất chứ không phải là lợi nhuận sau thuế để ai phải bỏ tiền túi ra. Nói như vậy, chẳng khác nào bảo pháp luật làm cho DN Việt bi đát!”.

Ông Chủ tịch Cty may Sông Hồng thật sai lầm khi đưa ra lập luận: “Tổng LĐLĐVN cho rằng “phải tăng LTTV vì mức lương của CN hiện nay không đủ sống”. Vậy Tổng LĐLĐVN có thấy thực tế nhiều sinh viên mới tốt nghiệp (chưa nói tới những người thất nghiệp), chỉ được trả lương khởi điểm chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, thậm chí tiến sĩ toán học làm việc trong Viện Toán học cũng chỉ hưởng lương trên 3 triệu đồng/tháng… Cho nên, lập luận này của Tổng LĐLĐVN cũng rất mơ hồ, khi mà không có căn cứ để nói rằng CN làm việc vất vả hơn ngài tiến sĩ toán hay những sinh viên kia”.

Bà Hà Thị Là - nguyên Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM, Phó khoa Lao động - Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng - chia sẻ: “Với chức năng là cơ quan đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đoàn viên CĐ (gọi tắt là NLĐ), Tổng LĐLĐVN luôn mong muốn tiền lương, thu nhập của tất cả mọi NLĐ đều đủ sống và có tích luỹ phòng khi khó khăn, chứ không chỉ riêng CN.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, cần phải có những cải cách từng bước về tiền lương trong các khu vực khác nhau (LTTV áp dụng cho khu vực DN; lương cơ sở áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp). Như vậy, trong phạm vi họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐVN với chức năng, vai trò của mình đã kiến nghị để nâng lương cho NLĐ”.

Chính ông Chủ tịch Cty may Sông Hồng đã so sánh “tam đoạn luận” một cách ngây thơ rằng lương CN đã cao hơn 3 triệu đồng thì làm việc vất vả hơn ngài tiến sĩ toán hay những sinh viên kia.

 

Theo NAM DƯƠNG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên