MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tay nghề lao động Việt Nam không kém, thế thì năng suất thấp do đâu?

05-02-2015 - 14:17 PM | Xã hội

Năng suất lao động thấp là những nguyên nhân đe dọa trực tiếp tới sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

Năng suất thấp do đâu?

Năng suất lao động đang là một vấn đề thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Đặc biệt từ sau khi Tổ chức lao động quốc tế công bố nghiên cứu cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt thấp hơn Singapore tới 15 lần.

Mới đây, tại buổi công bố các chỉ số kinh tế xã hội năm 2014, Tổng cục Thống kê Việt Nam còn chỉ ra rằng năng suất lao động Singapore gấp 18 lần Việt Nam.

Nhiều ý kiến nghi ngại tay nghề của lao động Việt Nam thua kém dẫn đến năng suất còn thua kém. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng viện năng suất Việt Nam lại cho rằng, vấn đề cốt yếu nằm ở khả năng quản trị của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn  

“Cũng người lao động Việt Nam nhưng khi sang làm ở khu vực nước ngoài họ lại được đánh giá rất tốt. Rõ ràng ở doanh nghiệp Việt có vấn đề về chế độ, đào tạo, đãi ngộ, lương bổng, môi trường khuyến khích chưa thích hợp...”, ông Tuấn nói.

Do vậy, theo ông Tuấn, bên cạnh sự quan tâm và vào cuộc của Chính phủ, thì doanh nghiệp đóng vai trò số 1 trong việc nâng cao năng suất lao động. Để nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp trước hết phải tự nâng cao khả năng quản lý của chính mình.

“Thực tế chúng ta đầu tư được một nhà máy, khách sạn như nước ngoài, nhưng xét về hiệu quả hoạt động thì lại thể hiện rõ sự thua kém... Tại sao lại như thế? Vì khả năng quản trị còn nhiều vấn đề...”, ông Tuấn nói.

Một vấn đề nữa, theo ông Tuấn, cũng là yếu tố cốt lõi với doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề về thị trường. Sản phẩm của doanh nghiệp không có đầu ra ổn định, làm ra không bán được thì giá trị tăng thêm không thể cao.

Do vậy, ông Tuấn cho rằng những chiến lược như doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là rất phù hợp để nâng cao năng suất trong thời gian tới. Nếu tham gia được vào các chuỗi cung cấp một cách ổn định thì lúc đó doanh nghiệp mới có điều kiện để cải tiến năng suất.

Lao động Việt Nam không kém

Nhìn nhận  ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp vì tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn rất cao trong khi tỷ lệ đất nông nghiệp/đầu người của Việt Nam thấp nhất thế giới.

Tăng trưởng nông nghiệp phụ thuộc vào các quy luật thiên nhiên nên không tăng quá cao được. Trong khi đó, đầu tư trang thiết bị cho lao động nông nghiệp nước ta còn quá thấp.

Vì vậy, theo ông Doanh, muốn tăng năng suất lao đông, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chuyển sang hình thành những doanh trại có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, cơ giới hóa, kết nối với ngân hàng, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu...

Còn đối với các lao động ngoài lĩnh vực nông nghiệp, ông Doanh cho rằng hiện còn tập trung quá nhiều vào những doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp gia đình có số vốn rất thấp, trang thiết bị rất kém nên năng suất lao động rất thấp.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, vị chuyên gia này cũng cho rằng tay nghề lao động của Việt Nam không hề thua kém.

“Với mức lương thấp hơn nhiều các nước khác trong khu vực, lao động Việt Nam ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại đạt được năng suất lao động cao hơn so với lao động các nước khác. Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam như Samsung, Microsoft...”, ông Doanh nói.

Đối với các doanh nghiệp “nội”, ông Doanh cho rằng người lao động cần được trang bị nhiều hơn về trình độ chuyên môn, thể lực, trang thiết bị. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn về khả năng quản trị.

Ông Lê Đăng Doanh

Trước câu hỏi với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành thời gian tới, khoảng cách về năng suất giữa Việt Nam và các nước như Singapore, Thái Lan... có thu hẹp lại khi các nước cũng đang tiến lên rất mạnh, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ sự lạc quan lớn.

“Đúng là các nước cũng đang thực hiện những chương trình cải thiện năng suất không kém Việt Nam, chỉ có điều cơ hội của Việt Nam để nâng cao năng suất lao động nhiều hơn họ.

Điều này giống như một người đi học, từ điểm 5 lên điểm 7 rất dễ song từ điểm 8 lên điểm 9 khó hơn nhiều. Việt Nam đang có điều kiện để tăng tốc độ cải thiện năng suất với điều kiện các chương trình, các chính sách  phải được triển khai thích hợp”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh cho rằng nếu chú trọng đầu tư vào người lao đông, “các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài khác”.

Theo Nguyễn Mạnh

PV

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên