Tháp truyền hình khó thu hút khách
Theo lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới được xây dựng sẽ là điểm đến của khách du lịch, đưa kinh tế phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi giới thiệu các ý kiến bàn luận về mục tiêu này.
- 16-03-2015Bao nhiêu tiền để xây tháp truyền hình Việt Nam có thể cao nhất thế giới?
- 14-03-2015Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ “soán” ngôi cao nhất thế giới của Tháp nào?
- 03-03-2015Hợp tác đầu tư xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam
- 10-12-2014Xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây
* PGS TS Phạm Trung Lương (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch):
Không ổn!
Tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay, đổ cho một số tiền rất lớn xây tháp truyền hình mà lại không phục vụ mục tiêu phát sóng truyền hình, hoặc chỉ để tìm kiếm, xác lập một kỷ lục thế giới, rồi lại lôi cả du lịch vào là không ổn.
Việc cho rằng xây tháp truyền hình sẽ làm biểu tượng cho phát triển kinh tế và thu hút du lịch là hơi ngộ nhận. Không phải cứ có dự án tháp truyền hình thì du lịch Việt Nam mới cất cánh được, bởi vì du lịch phát triển lên được phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Một dự án tiêu tốn cả tỉ USD cần phải có một luận chứng kinh tế rõ ràng, nếu có mục tiêu phát triển du lịch thì cần mời các cơ quan chuyên nghiên cứu về phát triển du lịch để có các dữ liệu kinh tế du lịch tham gia đóng góp ý kiến, phản biện... nhằm chứng minh dự án này hiệu quả.
Cá nhân tôi và viện không nhận được bất cứ một lời mời tham gia đóng góp ý kiến nào.
* Ông Vũ Thế Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - VITA):
Chỉ 1% du khách tham quan tháp
Đối với những nước phát triển, tháp truyền hình là biểu tượng của cả đất nước chứ không riêng gì nơi đặt tháp, vì vậy vé tham quan không bao giờ rẻ. Tôi không biết nếu làm một tháp truyền hình hoành tráng ở Việt Nam, du khách nước ngoài có đến tham quan hay không? Người Việt Nam có đủ tiền mua vé lên tham quan không?
Theo hiểu biết của tôi, không đến 1% lượng khách đến tham quan TP Thượng Hải lên tham quan tháp truyền hình nổi tiếng ở đây.
Họ đến Thượng Hải không phải vì cái tháp truyền hình Thượng Hải mà họ đến vì danh lam thắng cảnh, lịch sử văn hóa và mua sắm.
Có nhiều ngành làm việc gì cũng cứ vin vào là làm cho du lịch, nhưng thật sự họ không hỏi ngành du lịch cái đó có khả năng thu hút du khách hay không.
Nếu xây một tháp truyền hình rồi lại bảo là sẽ thu hút khách du lịch thì nhà đầu tư phải xây dựng một luận chứng kinh tế, điều tra khảo sát, thí dụ như lượng khách năm thứ nhất đến là bao nhiêu, năm thứ hai là bao nhiêu...
Trong nhiều năm làm việc ở Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch, chưa bao giờ tôi nghe VTV đặt vấn đề tham vấn hay xin số liệu gì để phục vụ cho mục tiêu du lịch của tháp truyền hình này.
* Ông Phạm Hà (giám đốc Công ty du lịch Luxury Travel):
Không nhiều khách tiêu tiền ở tháp truyền hình
Muốn thu hút du khách, vị trí của tháp truyền hình phải nằm ở nơi thuận lợi, đắc địa, có thể ngắm toàn bộ cảnh đẹp của thành phố và các cảnh quan. Những tháp truyền hình mà tôi đã đến tham quan ở nước ngoài đều nằm ở vị trí rất đẹp.
Chẳng hạn, vị trí của tháp truyền hình Thượng Hải có thể nhìn cả sang khu phố cổ, rồi nhìn được cả khu hiện đại sang trọng, muốn ngắm cả sông Hoàng Phố cũng thuận tiện, muốn ngắm TP Thượng Hải ban ngày hay ban đêm đều được.
Theo tôi biết, vị trí tháp truyền hình mà VTV định xây quá xa, không thuận lợi cho di chuyển, mà lại chỉ ngắm sông Hồng thôi thì khó trở thành điểm tham quan cho du khách.
Mặt khác, theo tìm hiểu của tôi, khả năng thu tiền của khách tham quan tháp truyền hình cũng rất khó.
Khách tham quan thường chỉ tốn tiền mua vé lên tầng trên cùng tham quan ngắm cảnh, cùng lắm mua vài thứ quà lưu niệm hoặc ăn uống ở nhà hàng được tổ chức ngay trên đó, nên cũng chẳng thu được bao nhiêu tiền so với tổng số vốn đầu tư cho cả công trình đồ sộ này.
* Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):
Tôi ủng hộ dự án
Tổng cục Du lịch không được cung cấp thông tin chính thức về việc này và cũng không được hỏi ý kiến về dự án xây tháp truyền hình Việt Nam. Do đó chúng tôi cũng không có bình luận gì.
Về quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ dự án này và hi vọng nó sẽ có những đóng góp thiết thực cho ngành du lịch.
Nhìn về góc độ du lịch, dự án này rất có lợi. Bởi những nơi mà có những công trình đồ sộ có quy mô lớn, nhất là mang tầm cỡ khu vực sẽ tạo ra điểm nhấn để thu hút du khách.
Về góc độ kinh tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy công trình này hoàn vốn rất nhanh.
LÊ THANH ghi
Nhật: tháp cao nhất thế giới cũng ít khách
Tháp Tokyo Skytree (Nhật Bản) cao 634m, hoạt động từ năm 2012, hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với mục đích chính là phát sóng kỹ thuật mặt đất.
Trang web chính thức của tháp giải thích việc có quá nhiều tòa nhà chọc trời cao hơn 200m mọc lên tại thành phố buộc Tokyo phải xây dựng tòa tháp cao hơn 600m để đảm bảo việc phát sóng.
Ngoài ra, tòa tháp còn mở cửa cho khách tham quan với giá vé từ 150 yen (khoảng 1,2 USD) đến hơn 3.600 yen (khoảng 30 USD), tùy theo đối tượng và tầng tham quan, và có cả nhà hàng.
Tòa tháp cũng có công ty du lịch phụ trách tổ chức các chuyến tham quan và tổ hợp du lịch xung quanh tòa tháp còn bao gồm sáu khách sạn mang tên Tokyo Skytree, trung tâm thương mại và giải trí.
Tuy nhiên tờ Japan Today cho biết khả năng thu hút khách du lịch của tòa tháp không được như kỳ vọng dù chỉ mới ra mắt. Trong năm 2013, có khoảng 6,19 triệu du khách mua vé lên các tầng quan sát của tòa tháp, thấp hơn 250.000 lượt so với kỳ vọng và nhà điều hành tháp tiếp tục hạ ước tính lượng khách đến trong năm 2014.
Nguyên nhân được đổ cho thời tiết khiến tòa tháp phải đóng cửa 40 ngày trong năm, tuy nhiên thực tế là du khách bắt đầu thấy nhàm chán.
“Khu vực xung quanh thành phố ngày hôm nay nhìn cũng chẳng khác gì cách đây hai năm” - tờ báo viết. Chưa kể giá vé cao cũng là một trở ngại, nhất là đối với người dân địa phương.
Một bạn đọc cho rằng nếu đến tháp Tokyo ở gần đó (có chiều cao thấp hơn) sẽ tiết kiệm hơn, vì giá vé rẻ mà cũng sẽ nhìn thấy khung cảnh y như vậy.
TRẦN PHƯƠNG
Theo Lê Nam