MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống kê “nhào nặn” tác động xấu đến an sinh xã hội

12-09-2014 - 10:53 AM | Xã hội

Trao đổi với PV, TS. Trịnh Hòa Bình - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - cho biết, nếu con số thống kê được “nhào nặn” sẽ tác động xấu đến an sinh xã hội.

Trước con số hiện chỉ có 1,84% lao động thất nghiệp - chỉ số thấp nhất trong 1 năm qua mới được Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố tại bản tin thị trường lao động Việt Nam số 3, dư luận xã hội và nhiều chuyên gia có ý kiến trái chiều.

Thưa ông, cá nhân ông có tin tưởng vào tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta hiện ở mức 1,84% không?

- Tôi không tin con số này. Không chỉ thống kê tỷ lệ thất nghiệp, mà với nhiều con số thống kê hiện nay, tôi thấy không chính xác, quy trình để có số liệu báo cáo không đáng tin cậy. Có thể nhà quản lý vẫn “ngại” bức tranh màu xám nên chuyện “tô vẽ” rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, phải hiểu cho đúng như thế nào là thất nghiệp. Tôi thấy có nhiều tranh cãi quanh chuyện thất nghiệp hay thiếu việc làm. Ở nhiều vùng nông thôn, khái niệm thất nghiệp cũng được hiểu rất “chênh vênh”. Ví như một người khai làm nghề nông nghiệp (làm ruộng), nhưng trên thực tế trong cả năm trời, thời gian dành cho công việc với nghề nông chẳng đáng bao nhiêu. Như thế là thất nghiệp hay thiếu việc làm?

Ở khu vực lao động công nghiệp cũng có tình trạng này. Có công trình xây dựng có hạng mục có thể cơ giới hóa nhưng người ta vẫn dùng sức người. Một việc lại phân đều cho cả nhóm, kiểu rải việc, để đảm bảo trong một thời gian hoặc một năm, không có ai hoàn toàn “ăn không ngồi rồi”.

Các con số thống kê từ cơ quan chuyên môn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đó. Nếu con số đưa ra là không chuẩn xác, ông nghĩ nó sẽ tác động như thế nào đến các quyết sách?

- Tôi thấy các con số rất khó kiểm soát và kiểu thống kê truyền thống đều không đáng tin cậy. Thực tế, có tình trạng, nếu số liệu khai tăng mà đơn vị nào đó có lợi, họ sẵn sàng khai tăng; nếu con số cao mà tác động xấu thì họ lại sẵn sàng khai ít đi. Vì nhiều con số thống kê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách nên nếu chính sách xuất phát từ nền tảng là con số thống kê không chính xác, đương nhiên sẽ bỏ sót những người cần hỗ trợ, đối tượng cần giúp đỡ; an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Con số thống kê dù lớn hơn hay nhỏ hơn thực tế đều làm méo mó bức tranh, từ đó chính sách đương nhiên không sát đời sống, người đáng ra được hưởng lợi từ chính sách lại không được hưởng. Đó là chưa nói nó có thể ảnh hưởng, gây thiệt hại cho tiến trình phát triển của địa phương, đơn vị nào đó.

Khi nào còn tồn tại những con số thống kê không ăn nhập thực tế, chúng ta không nghiêm túc với sự thống kê đánh giá thì mọi thứ chỉ như làm chơi, không tác động vào chân tơ kẽ tóc và không có tác động tích cực vào kinh tế xã hội - điều mà đúng ra các con số thống kê phải làm được.

Con số thống kê không chính xác có phải chỉ chủ yếu xuất phát từ sự “nhào nặn” có chủ ý như ông nói?

- Có đơn vị bị cơ quan chuyên ngành “thúc”, trong hoàn cảnh không có báo cáo không được, họ cũng có thể đưa ra con số không trung thực. Người ta có thể hỏi han cơ quan liên quan, xem lại số liệu cùng kỳ để điều chỉnh đôi chút;… Chuyện “nhào nặn” không khó vì người ta có thể vận dụng một số khả năng nghiệp vụ.

Trong trường hợp này, ví như một năm không có việc làm 4 tháng thì được coi là thất nghiệp, người ta có thể chế biến một nhóm nào đó chỉ còn thiếu việc trong 3 tháng. Ngoài ra, hiện việc xác định thất nghiệp và thiếu việc ở ta ranh giới cũng chưa rõ ràng. Có nơi, khi chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, người ta không muốn tỷ lệ thất nghiệp quá cao thì cũng có thể có chuyện chia đều việc cho mọi người.

Xin cảm ơn ông!

>>>Tỷ lệ thất nghiệp 1,84%: Quá phi lý!

Theo Thái Linh

cucpth

Laodong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên