MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thưởng Tết sẽ khá hơn?

14-12-2015 - 11:12 AM | Xã hội

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay sẽ nhỉnh năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tỏ ra dè dặt khi nói về thưởng Tết.

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết để nắm bắt kịp thời việc thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng cho người lao động (NLĐ) ở các doanh nghiệp (DN), bộ vừa có văn bản đôn đốc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khảo sát tình hình tiền lương, nợ lương năm 2015; kế hoạch thưởng cho NLĐ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Các địa phương phải khảo sát, tổng hợp và báo cáo về Bộ LĐ-TB-XH trước ngày 30-12.

Phụ thuộc kết quả sản xuất, kinh doanh

Mặc dù các DN chưa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh nhưng nhận định về tình hình thưởng Tết cho NLĐ năm nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ nhỉnh hơn năm 2015.

Theo phân tích của ông Huân, năm 2015, chỉ số GDP tăng, kinh tế trong nước khởi sắc; giá trị sản xuất công nghiệp, tiền lương và thu nhập cơ bản ổn định; sản xuất phục hồi hiệu quả… Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH dự đoán xu hướng DN sẽ thưởng Tết Bính Thân 2016 tăng lên. “Theo kinh nghiệm của năm trước, các khối ngân hàng, dịch vụ và tài chính thường có mức thưởng cao hơn trong năm nay. Khối sản xuất khả năng sẽ duy trì như trước” - ông Huân dự đoán.

Kết quả khảo sát lương, thưởng Tết Ất Mùi tại gần 13.200 DN sử dụng 2,5 triệu lao động cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán năm ngoái trung bình đạt 5,03 triệu đồng/người (tăng 15% so với mức thưởng Tết 2014). Trong đó, mức thưởng cao nhất là 583 triệu đồng (thuộc một DN tại TP HCM), mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng (thuộc một DN tư nhân ở phía Nam). Về thưởng Tết Dương lịch 2015, khoảng 80% DN thưởng cho NLĐ với mức bình quân 1,55 triệu đồng/người, tăng hơn so với năm 2014.

Tuy nhiên, số liệu nêu trên chỉ được khảo sát bởi báo cáo của 3% DN đang hoạt động và số NLĐ đang làm việc tại các DN nên không phản ánh được bản chất của số đông về tình hình lương, thưởng Tết cho NLĐ.

Về việc có ý kiến cho rằng nên luật hóa thưởng Tết, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết từ khi Bộ Luật Lao động ra đời (năm 1995) đến Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012), việc quy định “cứng” mức thưởng Tết bao nhiêu chưa từng đặt ra. “Theo quan điểm của tôi, việc thưởng Tết phải phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN” - ông bày tỏ.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng quan niệm về thưởng Tết của người Việt Nam và thông lệ quốc tế còn khác nhau. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn quan niệm có đóng góp trong quá trình tăng trưởng và làm ra lợi nhuận cho DN thì có quyền được hưởng một phần lợi nhuận. Còn quốc tế lại khác, họ cho rằng trả công cho NLĐ đúng theo cam kết trong hợp đồng lao động; việc thưởng Tết chỉ là thêm một phần để khích lệ, động viên và nằm trong chi phí chứ không nằm trong hiệu quả.

“Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Điều này tất yếu đòi hỏi phải xây dựng hệ thống luật pháp hài hòa giữa truyền thống và thông lệ quốc tế” - ông Huân nhìn nhận.

Khó có đột phá?

Ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, cho biết cơ quan này đã bắt đầu cho cán bộ CĐ nắm tình hình về lương, thưởng Tết của các DN trên địa bàn để có kế hoạch chăm lo cho NLĐ. Tuy nhiên, thông tin về kế hoạch thưởng Tết thì chưa được các DN tiết lộ.

“Theo nhận định của chúng tôi, mức thưởng sẽ không có đột phá, khó có thể cao hơn năm 2015. Việc thưởng Tết cao có thể xảy ra ở một bộ phận nhỏ DN và NLĐ, còn mặt bằng chung thì sẽ chỉ duy trì được ngang bằng, thậm chí thấp hơn chút ít so với năm 2015” - ông Tuyến nhận xét.

Ông Tuyến cũng cho rằng dù thưởng Tết có ngang bằng năm ngoái thì đời sống của NLĐ vẫn gặp khó khăn do giá cả tăng. Ngoài ra, trong năm 2015, thu nhập tăng thêm của NLĐ cũng gặp hạn chế do việc làm thêm không nhiều. Tuy nhiên, theo ông Tuyến, NLĐ cũng cần chia sẻ với những khó khăn mà DN đang phải đối mặt.

Trong khi đó, trưởng phòng tổ chức của một DN tại Hà Nội cho biết dù tình hình hoạt động của công ty có khởi sắc hơn năm trước nhưng lợi nhuận không nhiều, cộng thêm tình hình thu hồi công nợ gặp khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến việc chăm lo cho NLĐ. “Hiện DN chưa có kế hoạch thưởng Tết mà đang tập trung hoàn thành tiến độ công việc tại các công trình cũng như đốc thúc thu hồi công nợ” - ông dè dặt.

Phối hợp với Công đoàn chăm lo cho người lao động

Trong công văn yêu cầu khảo sát tình hình lương, thưởng Tết, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị lãnh đạo các sở LĐ-TB-XH khẩn trương đôn đốc các DN trên địa bàn rà soát lại quy chế, quy định của DN về tiền lương, tiền thưởng để điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, đề nghị DN phối hợp, trao đổi với tổ chức Công đoàn xây dựng phương án hỗ trợ NLĐ các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng trong dịp Tết và thông báo cho NLĐ trong DN biết.

Bốn nhóm DN được yêu cầu khảo sát tình hình lương, thưởng Tết gồm: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước là chủ sở hữu, DN cổ phần có vốn góp của nhà nước, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các nội dung khảo sát lương, thưởng 2016, gồm: lương bình quân năm 2015, thưởng Tết Dương lịch năm 2016 (số lao động trong DN; tiền thưởng cao nhất, thấp nhất và trung bình); tiền thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (số lao động trong DN, mức lương cao nhất, thấp nhất và trung bình).

Về tình hình nợ lương năm 2015, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm: dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt, bộ yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân gây nợ lương của NLĐ, như: chủ DN bỏ trốn, DN đóng cửa, DN khó khăn hay do nguyên nhân khác.

 

Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch CĐ Công ty May Cường Tài (quận Gò Vấp, TP HCM):

An tâm với lương, thưởng

Gần 400 công nhân (CN) của chúng tôi hoàn toàn yên tâm làm việc trong thời điểm cuối năm bởi việc điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 và thưởng Tết Nguyên đán đã được công ty lên kế hoạch ngay từ đầu năm 2015.

Theo đó, DN sẽ điều chỉnh LTT vùng với mức thấp nhất (dành cho CN chưa có tay nghề) bằng mức quy định của nhà nước nhân với hệ số 1,07 (khoảng 3,745 triệu đồng/người/tháng). Riêng thưởng Tết Nguyên đán, ngoài lương tháng 13, mỗi CN còn được thưởng chuyên cần năm từ 1 triệu - 1,6 triệu đồng.

DN cũng thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 26 tháng chạp đến hết mùng 7 Tết; ưu tiên CN ở xa được nghỉ Tết dài ngày hơn. Cụ thể, quê ở miền Trung được nghỉ thêm 1 ngày và ở miền Bắc được nghỉ thêm 2 ngày có hưởng lương. Với sự hỗ trợ trên, CN sẽ có thời gian nghỉ ngơi và sum vầy bên gia đình.

 

Ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất găng tay cao su Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương):

Gói ghém bằng 1 tháng lương

Năm nay, giá cao su giảm khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN chúng tôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung và NLĐ cũng đã kề vai sát cánh chia sẻ khó khăn với công ty.

Cày cục cả năm, mong muốn chung của tất thảy CN là có một khoản thưởng kha khá để đón Tết. Do vậy, ban giám đốc sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho họ. Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay cũng bằng năm ngoái, tương đương 1 tháng lương.

 

Ông Lê Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM):

Động viên NLĐ gắn bó lâu dài

Việc điều chỉnh LTT vùng khiến DN phải tăng chi phí trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Tuy nhiên, đây là quy định của pháp luật và DN phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ để bảo đảm quyền lợi NLĐ.

Ngoài cam kết duy trì các khoản phụ cấp đã quy định trong thỏa ước lao động tập thể, sau khi cân đối tài chính, công ty quyết định thưởng Tết cho NLĐ một tháng lương (bình quân 5,5 triệu đồng/người). Công ty còn tổ chức họp mặt tất niên và tặng mỗi CN một phần quà Tết trị giá 200.000 đồng. Đây là nỗ lực của ban giám đốc trong bối cảnh vừa qua một năm cạnh tranh khốc liệt nhằm động viên NLĐ gắn bó lâu dài với DN.

V.Tùng - T.Nga ghi

 

 

Theo Nguyễn Thế

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên