MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tiếp thu tận cùng những ý kiến xác đáng về Hiến pháp”

18-11-2013 - 14:26 PM | Xã hội

Sáng nay (18/11), sau khi Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu thêm trước khi các vị đại biểu về làm việc tại đoàn.

Theo Chủ tịch, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm việc với tinh thần rất cần mẫn, khiêm tốn, cầu thị, không chỉ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường mà ý kiến các đại biểu gửi qua văn bản, cả ý kiến các vị khách mời về cũng nghiên cứu để tiếp thu.

Tuy nhiên, có những vấn đề cơ bản nhất đã được Quốc hội quyết định tại các kỳ họp trước, được Bộ Chính trị, Trung ương cơ bản nhất trí rồi thì xin giữ. Bởi đã quyết định bởi đa số thì cũng không có cách gì mà tiếp thu được nữa.

"Sau khi các vị đại biểu sửa trực tiếp vào dự thảo hôm nay, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn chỉnh một vòng nữa, tiếp thu tận cùng những ý kiến xác đáng, hợp lý để có thể yên tâm là dù còn ý kiến khác nhau nhưng Quốc hội đã làm việc hết trách nhiệm", Chủ tịch nhấn mạnh.

Ông cũng dành thời gian để giải trình thêm về một vấn đề rất hệ trọng là quy định về chính quyền địa phương tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Chủ tịch thiết kế ở dự thảo mới hoàn chỉnh đã cụ thể thêm một chút.

Trước khi Chủ tịch phát biểu, Trưởng ban Biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Lý cho biết, thảo luận tại hội trường về nội dung này vào ngày 5/11, các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã kịp thời nghiên cứu, giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân.

Một số vấn đề đại biểu góp ý thêm đã được Ủy ban giải trình, tiếp thu và chỉnh lý ở dự thảo mới nhất.

Theo đó, ở điều 4 có có ý kiến đề nghị thay quy định Đảng “chịu trách nhiệm về những quyết định của mình” bằng quy định Đảng “chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình”.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải thích, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình. Nhưng quy định Đảng “chịu trách nhiệm về những quyết định của mình” như dự thảo là cụ thể và rõ hơn trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và dân tộc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như đã thể hiện trong dự thảo.

Góp ý về quốc kỳ (điều 13) có đại biểu đề nghị quy định cụ thể kích thước, vị trí của ngôi sao trên quốc kỳ và bổ sung một số biểu trưng quốc gia khác vào điều này.

Báo cáo giải trình nêu rõ, các biểu trưng quy định tại điều 13 là những biểu tượng mang tính quốc gia, có tính lịch sử, đã được quy định và sử dụng ổn định từ Hiến pháp năm 1946 đến nay. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục kế thừa quy định này của các Hiến pháp mà không bổ sung một số biểu trưng quốc gia khác. Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định lâu dài, Hiến pháp chỉ quy định có tính khái quát và cơ bản, còn các chi tiết cụ thể về kích thước, vị trí của ngôi sao trên quốc kỳ sẽ được xem xét để mô tả và quy định trong các văn bản khác.

Ở chương 2, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, liên quan đến việc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” (các điều 23, 25 và 27) có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc thay bằng cụm từ “do luật định” tại điều 23 và điều 25; bỏ cụm từ “theo quy định của luật” tại điều 27 để tránh hiểu lầm là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là do luật hoặc pháp luật quy định hoặc Hiến pháp lại quy định theo luật hay pháp luật.

Ông Lý giải thích, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, để thực hiện các quyền đó thì người dân phải được Nhà nước tạo điều kiện cụ thể hoặc theo trình tự, thủ tục nhất định. Những điều kiện, trình tự, thủ tục này lại không thể quy định cụ thể trong Hiến pháp. Đây là những vấn đề cần được cân nhắc kỹ để quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình.

Theo tinh thần đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban đã nghiên cứu, rà soát toàn bộ các điều của chương 2 và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý về mặt kỹ thuật thể hiện tại các điều 23, 25 và 27 theo hướng: thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, thay cụm từ “do luật định” bằng cụm từ “việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Với các hiến định về kinh tế ở chương 3, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung cụm từ doanh nhân và trò của doanh nghiệp vào khoản 3 điều 51.

Đề nghị quy định chặt chẽ hơn các trường hợp trưng dụng đất theo hướng: Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai cũng đã được tiếp thu, ông Lý cho biết.

Trong quy định về mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, tiếp thu ý kiến nêu trên, cụm từ “lãnh đạo công tác” đã được thay bằng cụm từ “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động” .

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã tiếp thu đề nghị chuyển thẩm quyền Quốc hội “quyết định việc quân đội tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình bên ngoài lãnh thổ Việt Nam” sang Chủ tịch nước, ông Lý cho hay.

Theo nghị trình, sáng 28/11, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó, Quốc hội sẽ biểu quyết hai nội dung này.

Ngày 28/11, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là “ngày đẹp”.

Theo Nguyễn Lê

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên