Trung Quốc xả nước, khả năng cứu hạn ĐBSCL đến đâu?
Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp hồ thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc có xả nước thì khả năng cứu hạn, ngăn mặn ở Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng không được cải thiện đáng kể.
Hao hụt lượng nước lớn khi chảy qua nhiều nước
Trước tình trạng khô hạn kỷ lục ở ĐBSCL, ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam kiến nghị có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xuống hạ lưu sông Cửu Long. Công hàm có nêu chi tiết đề nghị của phía Việt Nam về lưu lượng, thời gian và số đợt xả từ Thủy điện Cảnh Hồng.
TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, dù phía Trung Quốc có đồng ý xả nước thì hiệu quả chống hạn, ngăn mặn cũng không cao. Ông Tứ phân tích, trước tiên phải làm rõ, ĐBSCL thiếu bao nhiêu nước, cần bao nhiêu nước từ thượng nguồn về. Trường hợp có xả nước từ hồ chứa Cảnh Hồng thì nước phải chảy 4.000km qua các nước Thái Lan, Lào, Campuchia mới về Việt Nam. Bản thân các quốc gia này cũng đang gặp hạn nên lượng nước sẽ hao hụt nhiều. Trong trường hợp ĐBSCL cần lưu lượng nước gần 2.000 m3/s thì phía thượng nguồn phải xả tới 4.000-5.000 m3/s mới đáp ứng được. Điều này khó khả thi trong thực tế khi mà thượng nguồn sông Mekong cũng đang cần nước.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu nhận định, với dung tích 249 triệu mét khối của hồ Cảnh Hồng, nếu xả liên tục với lưu lượng 2.300 mét khối giây thì chỉ 30 giờ là hồ Cảnh Hồng hết nước.
Cũng theo TS Tuấn, mực nước tại các hồ Trung Quốc cũng thấp nên khả năng cao phía Trung Quốc sẽ xả nước cầm chừng. Ngoài ra, trên thượng nguồn Trung Quốc có sáu đập thủy điện đang hoạt động. Các hồ chứa thủy điện trên một hệ thống sông sẽ vận hành theo một quy trình liên hồ chứa, hồ này phụ thuộc vào hồ kia nên việc yêu cầu một hồ trong hệ thống liên hồ thực hiện xả nước cũng bị chi phối nhiều. Trong trường hợp xả nước thì lượng nước ấy sẽ hao hụt khi qua các nước lưu vực sông, ngoài ra còn lấp đầy vào các hồ, đầm, vùng trũng đang cạn trên đường di chuyển nên lưu lượng về Việt Nam sẽ rất thấp.
GS TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng cho rằng, tác động của dòng chảy từ Trung Quốc xuống Việt Nam là rất xa, qua Lào, Thái Lan, Campuchia mới đến Việt Nam. Theo GS Giang, lưu vực sông Mekong ở Trung Quốc chiếm khoảng 18% trong dòng chảy của con sông này. Nếu xả chắc họ cũng không thể xả nhiều, hơn nữa lại đi qua các vùng hạn nặng như Thái Lan, Campuchia… nên nước về đến Việt Nam sẽ không còn nhiều.
Tiền Phong